Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết, trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, tính đến đầu tháng 11/2021, Cao Bằng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19. Tuy nhiên từ ngày 5/11 khi phát hiện ca mắc đầu tiên thì số người mắc COVID-19 trong tỉnh liên tục tăng cao và ngày càng có chiều hướng phức tạp.
Việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng bắt đầu bùng phát tại xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm khi một người mắc COVID-19 xuất hiện tại đám tang khiến nhiều người tham dự đám tang bị lây nhiễm.
Ca F0 này có lịch sử di chuyển khá phức tạp, thường xuyên di chuyển đi về giữa tỉnh Hà Giang (vùng đang có dịch) và khu vực Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng).
Theo ông Phong, do sự phân bố dân cư tại huyện Bảo Lâm khá thưa thớt, ít sự giao lưu tiếp xúc nên chính quyền địa phương nhanh chóng tổ chức cách ly, dập dịch hiệu quả.
Thế nhưng, người dân Cao Bằng chưa kịp vui mừng vì chùm ca bệnh tại Bảo Lâm được khống chế thì đến ngày 23/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng công bố phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Cả 3 trường hợp này đều có lịch trình di chuyển rất phức tạp với nhiều địa điểm đông người như quán ăn, karaoke, chợ, trường học với hơn 100 người thuộc diện F1, F2.
Ngay sau khi phát hiện 3 trường hợp này, thành phố Cao Bằng và huyện Thạch An đã cho học sinh nghỉ học, tổ chức phong tỏa các khu vực có người bệnh, khẩn trương truy vết.
Song, tình hình dần trở nên khó kiểm soát hơn khi nhiều giáo viên và học sinh thuộc diện F1 chuyển thành F0.
Về năng lực xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng chia sẻ: "Chúng tôi phải cố gắng làm cả đêm, cả ngày. Các mẫu ở huyện Bảo Lâm lấy trong ngày, sau đó tối mới chuyển ra, nên các mẫu đều phải làm cả đêm đến sáng mới có kết quả. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh trang bị thêm máy móc, vật tư cho công tác xét nghiệm để sớm khống chế dịch bệnh".
Theo ông Phong, thời điểm TP HCM bùng phát dịch bệnh, tỉnh Cao Bằng đã cử 3 đoàn hỗ trợ với 98 y bác sĩ. Sau khi trở về, đoàn đã chia sẻ về kinh nghiệm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân.
Nhờ vậy, khi Cao Bằng xuất hiện nhiều F0, ngành y tế địa phương đã bình tĩnh và nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Để đáp ứng việc cách ly, điều trị trong tình hình mới, Cao Bằng cũng cho phép 49 ca nhiễm được tự cách ly, điều trị tại nhà. Đây là những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, không có bệnh lý nền, không có triệu chứng và điều kiện cơ sở nơi lưu trú đảm bảo. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường công tác giám sát cộng đồng, nâng cao ý thức người dân nghiêm túc chấp hành quy định cách ly.
Những y bác sĩ trong các đoàn hỗ trợ TP HCM chống dịch cũng tham gia các tổ tư vấn chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Đây là những người có kinh nghiệm và hỗ trợ rất tốt cho các bệnh nhân thông qua hệ thống giám sát y tế.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trung tâm Y tế thành phố Cao Bằng được phân công phụ trách điều trị 6 ca F0 không có triệu chứng trên địa bàn phường Sông Hiến chia sẻ: "Với tất cả những bệnh nhân không có triệu chứng, được điều trị tại nhà, chúng tôi phải đảm bảo công tác sát khuẩn và hướng dẫn cho bệnh nhân cách ly, uống thuốc tại nhà. Mỗi ngày, chúng tôi kiểm tra bệnh nhân 2 lần. Sau đó, chúng tôi cho bệnh nhân số điện thoại, kết nối Zalo với bệnh nhân, nếu có vấn đề gì thì bệnh nhân sẽ liên lạc để chúng tôi kịp thời đến xử lý ngay".
Thời gian cách ly điều trị tại nhà tối thiểu là 10 ngày đối với F0 không triệu chứng, 14 ngày đối với F0 có triệu chứng mức độ nhẹ, tự theo dõi tại nhà 7 ngày tiếp theo. Người thực hiện cách ly y tế tại nhà phải cam kết với chính quyền địa phương không ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc với động vật nuôi; luôn thực hiện "5K" và các biện pháp phòng, chống dịch.
Cũng theo bác sĩ Thanh, trong bối cảnh dịch diễn biến dịch phức tạp và căn cứ vào tình hình thực tế ở Cao Bằng, việc điều trị F0 không triệu chứng tại nhà là điều cần thiết, tạo ra tâm lý lạc quan, thoải mái cho người bệnh. Yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, cải thiện tình trạng sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Việt Nam tăng cường kiểm soát dịch tễ, nhiều quốc gia nỗ lực tìm cách ứng phó với biến thể Omicron