Hà Nội

Tình cảm, sự quan tâm của thầy thuốc tiếp thêm nghị lực vượt qua bệnh tật cho tôi

26-05-2022 15:13 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Hai tháng trước, tôi bắt đầu thấy họng khác lạ, các vết loét thanh quản xuất hiện, tần suất ho nhiều hơn và giọng nói có chút thay đổi.

Tình trạng viêm thanh quản kéo dài, tôi đi khám ở một bệnh viện tuyến tỉnh, điều trị mãi không khỏi, các bác sĩ chuyển tôi ra một bệnh viện tuyến trên.

Quá trình khám – điều trị - chuyển viện khác – lại khám – điều trị - chuyển viện khác của tôi lặp lại tới 4 lần trong 2 tháng. Những nơi tôi đến đều là bệnh viện lớn, đầu ngành. Tại đâu, tôi cũng được các bác sĩ nhiệt tình thăm khám, quan tâm.

4 lần sinh thiết, có nơi đã có kết quả chẩn đoán, có nơi chưa nhưng nơi đâu cũng cũng hướng nghi ngờ tới việc tôi bị ung thư. Tôi mới 44 tuổi, còn cả sự nghiệp và hạnh phúc gia đình phía trước, tôi nghĩ tuổi này còn quá trẻ để dừng lại mọi thứ.

Bệnh tật khiến tôi không thể ăn uống một cách bình thường, hạn chế giao tiếp. Tôi không nói được mà chỉ ra ký hiệu hoặc viết ra giấy, nhắn tin. Tôi nhớ có lần "bị ép ăn" mới có dinh dưỡng điều trị bệnh, tôi ho ra máu, phải truyền máu liên tục.

Hai tháng, tôi sụt tới 10kg, lo lắng, mệt mỏi, bất an, điều động viên lớn nhất là các thầy thuốc thực sự quan tâm và muốn tìm ra căn nguyên cuối cùng, cùng tôi chiến đấu. Mấy tuần trước, tôi được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện đã chia sẻ, động viên tư vấn phương pháp, định hướng phác đồ điều trị để người bệnh sau khi khỏi có thể tự chăm sóc và ổn định sức khỏe trong đời sống thường ngày.

Trong đời thường cuộc sống xô bồ, lo toan mưu sinh thế, nhưng đã bước vào đây, không chỉ tôi mà các bệnh nhân đều tập cách buông bỏ. Giảm stress, tư tưởng thoải mái là điều các thầy thuốc luôn động viên để chúng tôi phối hợp điều trị. Bởi dù bệnh nặng hay nhẹ yếu tố tâm lý vẫn là liều thuốc tinh thần quan trọng nhất tác động lớn hiệu quả điều trị.

20220524_074901.jpg

Tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được các y bác sĩ quan tâm chăm sóc ân cần.

Tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, tôi cũng như bao người bệnh khác được các y bác sĩ quan tâm chăm sóc ân cần, nhiều lúc tôi cảm giác như chăm con nhỏ. Với tôi sau khi tiếp thu những ý kiến, phác đồ điều trị chuyên khoa từ ThS.BS Vũ Trọng Lương - Phó trưởng khoa, tôi đã lạc quan và phần nào giải tỏa được tâm lý trong tháng ngày vừa qua.

Những ngày nằm viện, tôi thấy tinh thần tự nguyện của các bác sĩ ân cần, khiến chúng tôi thực sự hài lòng. Chính sự quan tâm ân cần của các thầy thuốc đã tăng thêm sự tin tưởng của người bệnh khi đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Từ 6h sáng cho tới nửa đêm, chưa kể bệnh nhân cấp cứu, các thầy thuốc thường xuyên thăm người này, hỏi người kia, trao đổi những câu chuyện trải lòng của bản thân cũng như những câu chuyện của bệnh nhân đã xuất viện. Tôi đã từng nghĩ bệnh nhân ra viện rồi thì sẽ nhanh chóng bị quên đi, ấy vậy mà khi kể về những ca bệnh được ra viện, ai nấy đều hân hoan, hạnh phúc như chính người nhà vừa trải qua cơn bạo bệnh, chiến thắng thần chết.

Các cô điều dưỡng viên còn rất trẻ nhưng rất hiểu biết, chia sẻ rất nhiều, tôi cảm giác như một thầy thuốc đầy kinh nghiệm, cô ấy cũng rất thân thiện với người bệnh.

Là người đã từng tiến hành rất nhiều liệu pháp, phương thức điều trị tại nhiều nơi, may mắn, tôi "gặp thầy gặp thuốc" khi đến với Bệnh viện Bạch Mai. Tôi nghĩ may mắn là điều rất quan trọng. Tình trạng bệnh của tôi thuyên giảm, giờ tôi đã nói chuyện bình thường, nhìn cuộc đời với nhiều sự bao dung, nhẹ nhõm. Tôi nghĩ công lao lớn thuộc về các thầy thuốc và lời cảm ơn dành cho họ bao nhiêu cũng không đủ.

Đi viện nhiều, tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Giá như cho tôi một điều ước, tôi rất mong Y học của Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt hàng tiên tiến trên thế giới; sẽ có nhiều bác sĩ giỏi, chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, những đôi tay vàng, những nhân tài kiệt xuất, tâm huyết với nghề theo đuổi lý tưởng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tôi cũng mong người dân khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để khám bệnh, không chủ quan, chờ đợi bệnh tự khỏi.

Điều dưỡng - Những người thầm lặng vì bệnh nhânĐiều dưỡng - Những người thầm lặng vì bệnh nhân

SKĐS - Sự tận tâm và những hy sinh thầm lặng của người điều dưỡng đã góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân.



Hồng Hải (Hà Tĩnh)
Ý kiến của bạn