Giới chức Mỹ đã không đổ lỗi trực tiếp cho Mátxcơva liên quan đến vụ rơi máy bay MH17 và cho rằng quân nổi dậy có vẻ như đã bắn máy bay do nhầm lẫn.
Họa đồ về vụ rơi máy bay Mh17 của tình báo Mỹ.
Trong báo cáo về vụ MH17 của cơ quan tình báo Mỹ được giải mật một phần vào ngày 22/7, giới chức Mỹ đã không đổ lỗi trực tiếp cho Nga trong thảm họa xảy ra ở ngay trước cửa nhà nước này, thảm họa MH17 đã cướp đi sinh mạng của 298 người.
Tuy nhiên Mỹ cáo buộc Mátxcơva đã “tạo điều kiện” khiến MH17 bị bắn hạ vào tuần trước, trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Theo đánh giá của giới tình báo Mỹ, thì quân nổi dậy đã vô tình bắn trúng máy bay MH17.
Thông tin mới được giải mật phần lớn cũng xác nhận thông tin mà Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đưa ra vào thứ sáu tuần trước, khi cho rằng một tên lửa được bắn từ hệ thống phòng không SA-11 (Buk) trong khu vực quân nổi dậy kiểm soát đã bắn hạ MH17.
Theo giới chức Mỹ, Nga đã huấn luyện cho quân nổi dậy sử dụng các vũ khí phòng không. Những vũ khí này đã được quân nổi dậy sử dụng trong suốt nhiều tuần vừa qua để bắn hạ hơn chục máy bay. Và việc Nga huấn luyên cho họ là một nhân tố gây ra thảm họa MH17.
Giới chức tình báo tiếp tục khẳng định lực lượng Ukraine đang giao tranh với quân nổi dậy không bắn tên lửa đất đối không.
Một số bằng chứng mà tình báo Mỹ, cơ quan có ngân sách 68 tỷ USD vào năm 2013, cung cấp gồm cả thông tin lấy từ facebook.
“Sau khi máy bay bị rơi được xác nhận là một máy bay dân dụng, quân nổi dậy đã xóa những dòng đăng tải trên mạng xã hội mà họ khoe khoang về việc bắn hạ được một máy bay và về việc sở hữu tên lửa đất đối không Buk (SA-11)”, một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo.
Giới chức tình báo Mỹ cũng cho rằng Mátxcơva vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, bất chấp áp lực quốc tế. Họ cáo buộc các bệ phóng tên lửa, các khẩu đội pháo khác cùng xe tăng đã được chuyển tới một “cơ sở huấn luyện” ở tây nam Nga, để huấn luyện cho quân nổi dậy.
Cơ quan tình báo Mỹ cũng công bố ảnh vệ tinh đề vào ngày thứ hai 21/7 chụp ở căn cứ Rostov cho thấy rất nhiều thiết bị không còn được thấy như trong một bức ảnh chụp 2 ngày trước đó.
Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở huấn luyện Rostov của Nga gần biên giới Ukraine ngày 19/7 và 21/7.
Giới chức tình báo Mỹ giải thích việc họ công bố thông tin tình báo ban đầu này là nhằm phản bác lại những tuyên bố gây hoang mang vào ngày hôm trước của quân đội Nga về vụ việc.
Quân đội Nga ngày 21/7 đã đưa ra những hình ảnh vệ tinh cho thấy có tên lửa đất đối không Buk của Ukraine quanh hiện trường vụ MH17 trước thời điểm máy bay này bị rơi. Nga cũng cung cấp bằng chứng cho thấy máy bay Su25 của Ukraine bay cách MH17 có 3-5km vào thời điểm xảy ra vụ việc. Ngoài ra, Nga khẳng định những video Ukraine đưa ra để chứng tỏ xe chở tên lửa Buk đi từ Ukraine sang Nga sau thời điểm MH17 rơi là không đúng sự thật.