Tại buổi hội thảo, PGS. TS. BS. Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ: "Ung thư buồng trứng thường phát hiện muộn và hay tái phát nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, có thể phải điều trị nhiều lần do đó ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị trúng đích với cơ chế tác động lên khả năng chỉnh sửa DNA bị tổn thương của tế bào có thể xem là một tiến bộ trong lĩnh vực ung thư, bởi tính hiệu quả và người bệnh dễ dàng chấp nhận hơn."
Điều đáng lo ngại là giới nữ thường khó nhận biết bệnh ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu do bệnh diễn tiến âm thầm với triệu chứng không rõ ràng. PGS. TS. Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y Học Hạt Nhân và Ung Bướu – Bệnh viện Bạch Mai nhận định: "Với những biểu hiện ban đầu không rõ ràng, hầu hết người mắc bệnh ung thư buồng trứng đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, phụ nữ nên chủ động tư vấn với bác sỹ khi gặp những triệu chứng nghi ngờ. Việc kịp thời phát hiện bệnh và điều trị sớm càng trở nên quan trọng hơn trong thời kỳ đại dịch để giúp người bệnh tránh khỏi những rủi ro lớn hơn khi nhiễm COVID-19."
Hầu hết người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn cuối (giai đoạn III hoặc IV) và có tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 30%, trong lúc lựa chọn điều trị còn rất hạn chế. Thuốc nhắm trúng đích tác động lên khả năng chỉnh sửa DNA bị tổn thương của tế bào, đầu tiên được phê duyệt trong điều trị duy trì ung thư buồng trứng tiến triển bởi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA). Đây là tin vui cho phụ nữ bị ung thư buồng trứng, giúp cải thiện chất lượng điều trị.