Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu dưới 75 tuổi

21-08-2023 16:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu, không có lương hưu được nhận trợ cấp đến khi đủ 75 tuổi.

Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với nhiều điểm đáng chú ý như mở rộng diện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thêm quyền lợi cho những người không có lương hưu…

Người không có lương hưu dưới 75 tuổi được nhận trợ cấp

So với Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi. Trong đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng.

Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu được nhận trợ cấp từ quỹ.

Theo đó, chính sách này được đề xuất áp dụng cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu (theo lộ trình là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi).

Trợ cấp thực hiện đến khi lao động đủ 75 tuổi, sau đó họ tiếp tục được nhận trợ cấp hưu trí xã hội chi trả từ ngân sách nhà nước.

Thời gian hưởng trợ cấp này căn cứ trên số năm đóng BHXH. Mức hưởng thấp nhất bằng tiền trợ cấp hưu trí xã hội là 360.000 đồng/tháng. Nếu tổng tiền đóng BHXH của lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hàng tháng từ lúc nghỉ hưu đến trước 75 tuổi thì được hưởng mức cao hơn.

Người đang hưởng qua đời thì thân nhân được trợ cấp một lần cho tháng chưa nhận và trợ cấp mai táng. Đồng thời, trong suốt quá trình thụ hưởng khoản trợ cấp này, người cao tuổi không có lương hưu được ngân sách nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định này nhằm gia tăng đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà không phát sinh tăng nhiều ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế, còn trợ cấp hằng tháng do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm từ thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động).

Theo tính toán, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ 65 tuổi thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Số tiền trợ cấp hằng tháng hưởng sớm 10 năm từ Quỹ Bảo hiểm xã hội do người lao động đã có 5 năm đóng góp, đồng thời người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Tùy điều kiện kinh tế xã hội và ngân sách từng thời kỳ, tiền trợ cấp tăng lên tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh chuẩn trợ giúp xã hội. Các tỉnh, thành phố có thể quyết định hỗ trợ thêm cho người cao tuổi không có lương hưu phù hợp với nguồn lực địa phương.

Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu dưới 75 tuổi - Ảnh 1.

Đề xuất người không có lương hưu dưới 75 tuổi được nhận trợ cấp (Ảnh minh hoạ).

Hình thành hệ thống an sinh ba tầng

Nếu đề xuất người không có lương hưu dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp này được thông qua, hệ thống an sinh sẽ hình thành ba tầng. Tầng dưới cùng là BHXH cơ bản dành cho lao động từ khi đi làm, gia nhập hệ thống an sinh đến trước khi đủ tuổi về hưu. Tầng này có các chế độ như ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp cùng khoản đóng góp để khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu.

Tầng tiếp theo là lao động đủ tuổi về hưu đến dưới 75 tuổi như nội dung dự luật đề xuất nói trên. Người đủ điều kiện được hưởng lương hưu hàng tháng; người không đủ điều kiện có thể được nhận trợ cấp xã hội.

Tầng an sinh còn lại dành cho người già trên 75 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Cũng trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) này, Chính phủ đề xuất trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu từ 75 tuổi, do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).

Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người, tức khoảng 35% số người nghỉ hưu. Trong khi đó, trung ương đặt mục tiêu 60% người nghỉ hưu được hỗ trợ tiền từ lưới an sinh đến năm 2030.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023.

MỜI ĐỘC GIẢ XEM THÊM:

>>> Đóng bảo hiểm xã hội mức cao nhất thì nhận lương hưu bao nhiêu?

>>> Những người hưởng lương hưu thấp nhất Việt Nam là ai?

>>> Đóng tiền BHXH thế nào để hưởng lương hưu hàng trăm triệu mỗi tháng?

>>> Người hưởng lương hưu tháng 8 cao nhất Việt Nam là ai, nhận bao nhiêu tiền?

>>> Những người được hưởng trợ cấp 3 triệu đồng từ kỳ chi trả lương hưu tháng 8

>>> Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu


Hoàng Cường
Ý kiến của bạn