Tin vui cho người khiếm thính

03-09-2013 10:50 | Thông tin dược học
google news

Sử dụng cảm biến giấu bên trong tai của chuột, nhóm chuyên gia ở Ðại học Columbia (CU) đã khám phá ra nhiều điều độc đáo về cơ chế xử lý âm thanh của tai.

Sử dụng cảm biến giấu bên trong tai của chuột, nhóm chuyên gia ở Ðại học Columbia (CU) đã khám phá ra nhiều điều độc đáo về cơ chế xử lý âm thanh của tai. Ðặc biệt là quy trình khuếch đại âm thanh trong ốc tai của chuột, một chi tiết xoắn ốc ở phía bên trong tai. Phát hiện trên sẽ giúp các nhà khoa học tạo ra thế hệ máy trợ thính mới có chất lượng tốt hơn hoặc giúp cho việc cấy ghép ốc tai trên người điếc đạt hiệu quả cao hơn. Phát hiện trên còn lý giải những điều lâu nay tranh luận, rằng các hoạt động bên trong tai làm việc thụ động với sóng âm thanh khi đi vào ốc tai, phong bế mô cảm giác và làm chậm quá trình xử lý âm thanh hoặc cũng có giả thiết cho rằng ốc tai khuếch đại sóng âm thanh theo cách chủ động... Ðể có kết luận, nhóm đề tài do kỹ sư y sinh học Elizabeth Olson chủ trì đã sử dụng các cảm biến đo đồng thời các áp lực biến động cực nhỏ và điện áp do tế bào tai tạo ra. Các cảm biến này cho phép các nhà khoa học phát hiện được những thay đổi theo chu kỳ các dao động của sóng âm thanh trong tai, đặc biệt phát hiện thấy âm thanh khi đi vào tai được khuếch đại. Những thay đổi mang tính chu kỳ này có chức năng quan trọng, nhất là hành trình của các tế bào lông đã phát huy vai trò của nó là định vị và làm sắc nét tần số âm thanh khi được khuếch đại.

KHẮC HÙNG (Theo HF, 8/2013)


Ý kiến của bạn