Tin vui cho mì ăn liền Việt Nam

13-06-2024 12:40 | Quốc tế
google news

SKĐS - Từ ngày 2/7, mì ăn liền Việt Nam xuất sang châu Âu sẽ không còn phải chịu các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt là các kiểm tra về dư chất ethylene oxide (EO).

Đây là thông tin đáng mừng được Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông báo vào ngày 11/6.

Tin vui cho mì ăn liền Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quy định mới về các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường EU. Theo đó, mì ăn liền của Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm nhờ đáp ứng các quy định nghiêm ngặt. Biện pháp này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 2/7, mang lại cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền Việt Nam.

Trước đây, từ tháng 2/2022, mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu sang EU phải chịu sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, bao gồm việc phải có chứng thư do cơ quan quản lý Việt Nam cấp và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với tần suất 20% tại cảng nhập khẩu. 

EO thường được sử dụng làm chất khử trùng và khử khuẩn trong các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các nguyên liệu thực phẩm như ớt bột, tiêu và quế để đảm bảo không có vi khuẩn Salmonella.

Hiện nay, mỗi nước và khu vực đều có quy định riêng về chất EO, trong đó EU là một trong những khu vực có quy định siết chặt nhất. Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng EO trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của ethylene oxide.

Không chỉ mì ăn liền, EU cũng điều chỉnh quy định kiểm tra với một số mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Thanh long, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, sẽ tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 20% lên 30%.

Mặt hàng ớt và đậu bắp vẫn chịu mức kiểm soát 50% nhưng yêu cầu thêm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Sầu riêng tiếp tục duy trì tần suất kiểm tra 10%.

Quy định mới của EU được đánh giá là bước tiến tích cực, thể hiện sự tin tưởng vào chất lượng và an toàn thực phẩm của mì ăn liền Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường EU, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 450 triệu dân.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, áp dụng các hệ thống giám sát tiên tiến như HACCP, ISO 22000,... đồng thời, thường xuyên cập nhật các quy định về an toàn thực phẩm của EU để đảm bảo sản phẩm luôn đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Việc EU gỡ bỏ kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền Việt Nam là minh chứng cho chất lượng và uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây cũng là động lực để các ngành hàng khác của Việt Nam tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khó tính khác.

Mì ăn liền, người thích kẻ sợ: Chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách chế biến mì gói an toànMì ăn liền, người thích kẻ sợ: Chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách chế biến mì gói an toàn

SKĐS - “Mì ăn liền có gây ung thư”, “thường xuyên ăn mì có gây hại không?",… đây là những câu hỏi thường gặp khi mì tôm trở thành món ăn yêu thích của rất nhiều người. Hãy cùng chuyên gia dinh dưỡng giải đáp những thắc mắc về thói quen ăn mì tôm thường xuyên.


Xuân Minh
Ý kiến của bạn