Hà Nội

Tin vào quảng cáo làm đẹp da bằng tiêm “huyết thanh vitamin C” trên mạng: Khổ người, hại da

24-08-2011 21:23 | Thời sự
google news

Với mong muốn có làn da trắng đẹp, căng mịn, nhiều chị em đã không tiếc tiền triệu để săn lùng các sản phẩm dưỡng da chăm sóc sắc đẹp. Đánh đúng vào tâm lý này, thời gian gần đây, trên các trang mạng rầm rộ quảng cáo rao bán các sản phẩm được gọi là “huyết thanh vitamin C” có khả năng làm trắng da trong thời gian ngắn.

Với mong muốn có làn da trắng đẹp, căng mịn, nhiều chị em đã không tiếc tiền triệu để săn lùng các sản phẩm dưỡng da chăm sóc sắc đẹp. Đánh đúng vào tâm lý này, thời gian gần đây, trên các trang mạng rầm rộ quảng cáo rao bán các sản phẩm được gọi là “huyết thanh vitamin C” có khả năng làm trắng da trong thời gian ngắn. Nhiều người đã lựa chọn những sản phẩm này và tự ý tiêm thẳng vào tĩnh mạch mà không lường hết những hậu quả có thể xảy ra cho tính mạng của mình…

Liều vì... mơ ước

Qua tư vấn của bạn bè, Vũ Phương T., sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính kế toán (Hà Nội) đã đặt mua gói sản phẩm làm trắng da trên mạng bao gồm 2 týp kem bôi và một vỉ ống dung dịch (4 ống) được gọi là “huyết thanh vitamin C” với số tiền gần 5 triệu đồng, riêng ống dung dịch “huyết thanh vitamin C” có giá 1.900.000 đồng. Theo bạn bè T., việc dùng kem bôi chỉ có tác dụng ban đầu và rất mất thời gian để có được làn da trắng đẹp. Dùng “huyết thanh vitamin C” tiêm thẳng vào tĩnh mạch đều đặn khoảng 1 - 2 tuần thì không những sẽ hết dị ứng mà còn giúp da sáng và mịnmàng nhanh chóng. Thời gian đầu, T. thuê một y tá gần nhà trọ để tiêm thuốc với giá 50.000 đồng/mũi tiêm. Mấy ngày đầu, tình hình có vẻ ổn, có "cảm giác" da mịn màng, hồng hào hơn. Người tiêm cho T. cũng khẳng định, tiêm vitamin C vào tĩnh mạch hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe, giúp cho việc dung nạp vitamin C vào cơ thể nhanh hơn.

 Làm đẹp bằng cách tự tiêm vitamin C vào tĩnh mạch có thể gây hậu quả khôn lường (ảnh minh họa).

Sau một thời gian thấy việc tiêm “huyết thanh vitamin C” dễ dàng, T. mua xilanh tiêm ngoài hiệu thuốc tự tiêm “huyết thanh vitamin C” vào tĩnh mạch tay. Sau khi vừa tiêm thuốc được khoảng 10 phút thì T. bị co giật, mặt tím tái, thở gấp... T. được các bạn trong khu trọ đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận T. bị dị ứng thuốc. Theo các bác sĩ,việc điều trị cho những bệnh nhân bị dị ứng thuốc mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt với trường hợp như T., những vết dị ứng phồng rộp trên da phải điều trị dài ngày mới giúp giảm bớt những tổn thương trên da như trên.

Lựa chọn nguy hiểm

Trao đổi vấn đề này với ThS.BS. Hoàng Bùi Hải, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai được biết, bất kỳ thuốc gì khi đưa vào cơ thể đều có cơ chế dị ứng đặc thù của nó. Đặc biệt, khi đưa qua đường tĩnh mạch sẽ có những dị ứng phản vệ thông thường khá mạnh. Riêng với việc đưa vitamin C qua đường tĩnh mạch thì chịu cơ chế phản vệ và dị ứng rất mạnh, dị ứng dị nguyên với dấu hiệu sốc phản vệ rất rõ ràng. Việc tiêm vitamin C qua đường tĩnh mạch (tiêm thẳng vào máu) rất nguy hiểm nếu không có sự cho phép và giám sát của bác sĩ chuyên khoa, nguy cơ tử vong là rất cao. Qua việc cấp cứu trường hợp như chị T. có thể thấy, khi tiêm vitamin C trực tiếp vào tĩnh mạch là việc “chơi” cùng "con dao hai lưỡi". Khi tiêm, nếu có sự nhầm lẫn về vị trí hoặc liều lượng thuốc thì sẽ vô cùng tai hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu bị sốc phản vệ.

 Một loại “huyết thanh” được rao bán trên mạng.
BS. Hải cũng khẳng định, bản thân vitamin C có tham gia vào chuyển hóa, chống lão hóa nhưng không có tác dụng làm trắng da tức thời, chuyển hóa sắc tố da tuyệt đối hay thay đổi sắc tố da từ vùng da sạm trở thành vùng da trắng như quảng cáo trên mạng. Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định sự khác biệt về công dụng giữa truyền dịch, uống thuốc, bôi kem chứa vitamin C so với việc tiêm trực tiếp vitamin C vào tĩnh mạch trong quá trình bảo vệ và chăm sóc làn da trắng sáng hơn. Do đó, người dùng hãy cảnh giác trước những thông tin quảng cáo về “huyết thanh vitamin C” rao bán trên mạng hiện nay.
 

Nói về “huyết thanh vitamin C với chức năng trẻ hóa làn da”, BS. Hải cho biết, việc quảng cáo “huyết thanh vitamin C” trên mạng với chiêu thức biến vitamin C thành một chất “thần dược” trong vấn đề cải tạo làn da hay giúp trẻ hóa làn da có thể coi đó là hành vi gian lận thương mại, gây hại cho cộng đồng.

VĂN HẬU


Ý kiến của bạn