Chị Nguyễn Thị Cương, 33 tuổi ở huyện Năm Căn, Cà Mau, trước khi nhập viện 4 tháng, chị Cương bị té chống tay phải xuống đất, bệnh nhân vẫn thấy đau âm ỉ ở vai phải và có khám và điểu trị tại y tế địa phương, được kết luận là không gãy xương.
Hình ảnh CT bướu trên khớp vai
Bệnh nhân có đi thầy lang bó thuốc vào khớp vai. Sau khi bó thuốc, khớp vai phải của bệnh nhân sưng nề và mất dần chức năng. Bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh khám và được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tại đây, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình đã khám và chẩn đoán bướu xương đầu trên xương cánh tay khổng lồ sau chấn thương khớp vai. Bệnh nhân được mổ sinh thiết bướu. Kết quả mô học là: Bướu đại bào đầu trên xương cánh tay phải.
Do khối bướu quá lớn, phá hủy hoàn toàn vỏ xương ở đầu trên xương cánh tay, xung quanh bướu có nhiều mạch máu tăng sinh. Để an toàn khi phẫu thuật cho bệnh nhân ngày 30/6/2020 ê kíp can thiệp mạch do BS.CK1 Trần Công Khánh - Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành chụp và làm tắc mạch máu quanh bướu.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sáng 6-7
Ngày 1/7/2020, ê kip phẫu thuật gồm BS.CKi Dương Khải, BS.CKI Đỗ Văn Khải, BS.CKII Trần Huỳnh Đào -Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, tiến hành gây mê để phẫu thuật cắt khối bướu, cố định lại xương cánh tay vào đai vai. Thời gian phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ, kích thước bướu được bóc trọn ra là 16x13cm, lượng máu mất ít.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, vận động khuỷu tay và cẳng, bàn tay phải tốt. Mạch quay và trụ bên phải rõ, không tê hoặc mất cảm giác vùng cẳng bàn tay.
Theo Bs.CKII Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, theo y văn bướu đại bào xương là một loại bướu giáp biên ác, gây xâm lấn tại chỗ và có khả năng di căn. Nguyên nhân gây ra bướu đại bào xương vẫn chưa được biết, các khối u thường tự phát.
Bướu hay gặp ở người trẻ tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 5% của tất cả các khối u xương nguyên phát. Tổn thương thường xảy ra ở các đầu xương dài gần khớp như đầu dưới xương đùi (26%), đầu trên xương chày (19%), đầu dưới xương quay (11%), đầu trên xương cánh tay (4%).
Giai đoạn sớm thường không có biểu hiện triệu chứng, bệnh nhân thường đến khám bệnh với triệu chứng là đau và giới hạn chức năng của khớp, khi đó bướu đã phát triển rộng. Điều trị ngoại khoa là phương pháp chính trong điều trị bướu này. Điều trị nội khoa thường đóng vai trò hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng, đặc biệt được chỉ định nhiều trong các trường hợp chống chỉ phẫu thuật.
Bướu đại bào xương có tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật là khá cao khoảng 25%. Vì vậy, sau phẫu thuật cần tái khám mỗi 3 hoặc 6 tháng để theo dõi và phát hiện u tái phát, thời gian theo dõi trung bình là 3 năm ở giai đoạn sớm và 5 năm ở giai đoạn muộn.
Bướu đại bào xương diễn tiến chậm trong im lặng, nếu không phát hiện kịp thời, người bệnh có thể phải cắt bỏ chi, trở nên tàn tật, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sinh hoạt của bệnh nhân.
Những người có tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh bướu đại bào xương có khả năng mắc bệnh cao nên cần cảnh giác, đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường.
Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh bướu đại bào xương. Để hạn chế các biến chứng nặng nề mà bệnh gây ra, người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ y tế khi gặp phải các triệu chứng bất thường như đau, hạn chế vận động,… nhất là đối tượng nữ giới trẻ tuổi.