Tin quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc: Người bệnh mất cơ hội chữa bệnh

06-05-2019 20:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh luôn bị xử phạt rất nghiêm bởi thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Nhan nhản quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc

Công ty Cổ phần nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc (địa chỉ: Số 145 Hoa Lan, Phường 2, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) bị xử phạt 60 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mãnh Lực Trường Xuân trên website: thuocdantoc.org gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Hay trước đó, công ty cổ phần dược liệu Phương Đông (ngách 69B/33 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, Thanh Xuân, TP. Hà Nội) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Gutmetaherb trên website: duoclieuphuongdong.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Với hành vi này, Công ty cổ phần dược liệu Phương Đông bị phạt số tiền 50 triệu đồng.

Nhiều đơn vị/doanh nghiệp cố tình quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh để thu hút người tiêu dùng tin

Công ty TNHH DUTUNO & HAVA (Số 34 Lương Ngọc Quyến, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giảm cân Bona trên website https://giamcanbona.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Công ty bị phạt 50 triệu đồng vì hành vi này.

Một đơn vị khác cũng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt là Công ty Cổ phần Nam Dược An Nhiên (địa chỉ tầng 3, số 7/71 đường Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vương Khớp An trên website http://vuongkhopan.com , nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 02127/2016/ATTP-XNQC ngày 24/10/2016); Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vương Khớp An trên website http://vuongkhopan.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Với hai hành vi này, công ty bị xử phạt số tiền 75 triệu đồng.

Tuy nhiên, hành vi như thế này không phải là hiếm vì hầu như trong các đợt công bố xử phạt hành chính của Cục An toàn thực phẩm, không lần nào không có danh sách các cơ sở vi phạm khi cố tình quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cố tình quảng cáo quá lên công dụng để thu hút người dùng

Về vấn đề này, PGS.TS.  Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh luôn bị xử phạt rất nghiêm bởi thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người. Trong khi đó, nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn muốn quảng cáo quá lên công dụng để thu hút người dùng.

Tại cuộc họp  tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ bản thân Thứ trưởng rất quan ngại trước thực trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khiến đa số người tiêu dùng tưởng nhầm là thuốc, thậm chí có người còn nghĩ là thuốc đó chữa bách bệnh.

“Tôi chắc chắn hầu như các sản phẩm được quảng cáo chữa bệnh như thuốc, trên một số trang báo, mạng xã hội, internet là hoàn toàn giả, không phải là thuốc và cũng không có ai chứng minh được đó là thuốc”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế

Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan…, thậm chí có sản phẩm quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.

Ở Mỹ hiện nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ gói gọn trong các loại vitamin, khoáng chất, glucosamin (dành cho khớp), các loại khác như hỗ trợ bổ gan, bổ thận… thì trên sản phẩm ghi rất rõ, thuốc này chưa được FDA của Mỹ đánh giá và không chịu trách nhiệm về việc sử dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, các sản phẩm tương tự khi quảng cáo chỉ nói một câu rất ngắn và nhanh “liến thoắng” rằng: “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” hoặc trên các sản phẩm dòng chữ khuyến cáo này rất bé, người xem không thể nhìn rõ, thậm chí có quảng cáo còn viết nội dung công dụng của sản phẩm như thuốc…

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm đề xuất biện pháp xử lý tình trạng này để người bệnh không bị nhầm tưởng, đánh mất cơ hội chữa bệnh. Trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục chủ động thanh, kiểm tra, từ đó sẽ đưa khuyến cáo tới người dân không dùng hoặc mua, sử dụng những loại thực phẩm hoặc “thuốc” được quảng cáo trên mạng không đảm bảo chất lượng.

Còn Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong thì kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có quảng cáo dưới các hình thức như: dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng kiên quyết không mua sản phẩm quảng cáo như vậy.


Thái Bình
Ý kiến của bạn