Tin nóng: Bệnh sởi đã có dấu hiệu giảm

18-04-2014 17:56 | Thời sự

SKĐS - Tại buổi Họp báo thông tin phòng chống dịch sởi ngày 18/4, Bộ Y tế đã giải đáp các thắc mắc của báo giới về tình hình phòng chống dịch sởi. Thông tin mới nhất của Bộ Y tế cho biết, dịch sởi đã có dấu hiệu giảm dần cả về số mắc và số tử vong.

Tại buổi Họp báo thông tin phòng chống dịch sởi ngày 18/4, Bộ Y tế đã giải đáp các thắc mắc của báo giới về tình hình phòng chống dịch sởi. Thông tin mới nhất của Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi đã có dấu hiệu giảm dần cả về số mắc và số tử vong.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh sởi chiều 18/4/2014.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh sởi chiều 18/4/2014. Ảnh: T.Minh.

Trước những con số đáng báo động về dịch sởi ở nước ta hiện nay với 3.256 trường hợp mắc trên 8.779 người bị sốt phát ban nghi sởi và có đến 25 ca tử vong xác định do sởi trong tổng số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tính chất nguy hiểm của bệnh sởi?

Sởi vốn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, có khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc với vùng bệnh (khoảng 90%). Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, nhất là với trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giai đoạn từ năm 2010 đến 2012, nhờ có vắc xin đã cứu sống được 13,8 triệu trẻ em trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chương trình Tiêm chủng mở rộng (từ năm 1988 đến nay) cũng đã phát huy hiệu quả tích cực, bảo vệ 44 triệu trẻ khỏi căn bệnh này.

Trong bối cảnh chung toàn cầu, bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mỗi một giờ trôi qua trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi. Từ cuối năm 2013 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 181.813 trường hợp mắc sởi. Riêng năm 2013, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận số mắc sởi cao gấp 3 lần so với năm 2012, đặc biệt tăng cao tại Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Myanmar… Nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ mắc sởi là viêm phổi do bội nhiễm các loại virus, thế giới có khoảng 1 triệu trẻ chết do viêm phổi mỗi năm.

Về tình hình dịch sởi ở Việt Nam, chúng tôi khẳng định hiện nước ta đã và đang có dịch sởi với 61/63 tỉnh thành báo cáo có ca mắc sởi. Từ đầu năm 1024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 3.256 trường hợp mắc trên 8.779 người bị sốt phát ban nghi sởi và 25 ca tử vong xác định do sởi trong tổng số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%); trong đó có đến 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi. Số tử vong ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có 50% só trẻ tử vong tại Hà Nội.

 

Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thông tin về tình hình dịch bệnh sởi và công tác phòng chống dịch tại cuộc họp.

Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thông tin về tình hình dịch bệnh sởi và công tác phòng chống dịch tại cuộc họp. Ảnh: T.Minh.

 

Dư luận đang nghi ngờ việc Bộ Y tế “giấu dịch”, ứng phó chậm trễ trước dịch bệnh trong khi số liệu công bố số ca mắc và tử vong lại rất “mập mờ”. Ông giải thích như thế nào về điều này?

Tôi khẳng định, Bộ Y tế không hề giấu dịch. Việc công bố hay không công bố không có nghĩa là không chống dịch. Ngay từ tháng 5/2012, Bộ Y tế đã có hướng dẫn giám sát phòng chống dịch sởi. Nếu ổ dịch có 3 trường hợp, trong đó chỉ cần xét nghiệm 2 ca dương tính với là đã thông báo có dịch. Tương tự, từ cuối năm 2013, trong các văn bản chỉ đạo chúng tôi đã đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi. Quyết định 4845/QĐ-BYT năm 2012 hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành cũng chỉ rõ, chỉ 1 trường hợp nghi ngờ mắc sởi đã phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch, bệnh nhân nên làm thế nào? Cộng đồng nên thực hiện ra sao?...

Tuy nhiên, Luật hiện hành đã chỉ rõ việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm cần có đủ các yếu tố: số mắc vượt quá tầm kiểm soát của địa phương; sự biến đổi độc lực của virus gây bệnh, tác nhân gây bệnh; không có biện pháp khống chế hiệu quả… Sau khi công bố dịch sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế giao thông, đóng cửa trường học, hạn chế hội họp, cưỡng chế về mặt cách ly….

"Tôi cũng đề nghị một điều là mong dư luận hãy để cho các nhà khoa học làm việc, nghiên cứu cẩn thận chi tiết, xác định đúng bệnh chứ không nên chỉ đồn đoán. Trước đây, khi Yên Bái xuất hiện 2 ca tử vong, trong đó chỉ có một ca do sởi, ca còn lại là bệnh nhân đột tử tại nhà riêng nhưng nằm trong khu vực dịch tễ, Hội đồng chuyên môn vẫn tiến hành đánh giá ca bệnh. Điều quan trọng hơn cả là tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng các biện pháp dự phòng ngăn chặn sởi lây lan..."- Thứ trưởng Long nói.

Về phản ứng trước dịch bệnh, ngay khi xảy ra những ca bệnh sởi lẻ tẻ ở một số tỉnh miền núi như Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tiêm vắc xin, khuyến cáo cộng đồng… do đó đã ngăn chặn hiệu quả được bệnh dịch ở 3 tỉnh nói trên. Cán bộ y tế của chúng tôi thậm chí đã phải ăn tết, đón giao thừa tại thôn bản để thực hiện tiêm vét vắc xin, tuyên truyền, vận động các gia đình.

Căn cứ vào tình hình thực tế khi Hà Nội, và TP.HCM xuất hiện thêm những ca bệnh sởi đầu tiên, chúng tôi đã áp dụng biện pháp mạnh, tổ chức tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi tại tất cả 63 tỉnh thành thay vì chỉ triển khai tiêm tại ổ ở 4 tỉnh có ca mắc. Về mặt chỉ đạo chúng tôi làm rất quyết liệt, song cũng vẫn còn có một số địa bàn chưa thực hiện triệt để. Bộ Y tế đã yêu cầu ngay trong ngày mai 19/4 sẽ công khai tất cả danh sách và tỉ lệ tiêm ở các tỉnh.

Chúng tôi hoàn toàn minh bạch về thông tin, không chỉ báo cáo số ca mắc, số tử vong mà kể cả số ca nghi mắc sởi. 108 ca tử vong có liên quan đến sởi, trong đó có 25 ca tử vong xác định chắc chắn do sởi. Các ca còn lại, bệnh nhi nhiễm sởi khi điều trị các bệnh khác do tình trạng quá tải tại BV gây lây chéo, hoặc do trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh, bại não…

Ban chỉ đạo phòng chống dịch sởi sẽ họp hàng ngày và sẽ có thông tin chính xác cập nhật tình hình dịch bệnh sởi đến với các cơ quan truyền thông đại chúng. Chúng tôi cũng nâng mức độ đáp ứng với dịch sởi ở mức độ cao hơn; các chuyên gia dịch tễ cũng sẽ giao lưu cởi mở giải đáp nhiều thắc mắc của độc giả về bệnh sởi và những điều cần biết có liên quan đến phòng chống dịch bệnh… Hiện tại không có bài thuốc nào điều trị đặc hiệu với virus sởi. Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Có ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cấp máy thở cũ và hỏng cho BV chống dịch, thưa Thứ trưởng?

Ngày hôm qua 17/4, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục xuất cấp 12 máy thở và bổ sung hơn 80 tỉ đồng để chống dịch sởi. Trước đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp 22 máy thở chức năng cao, 8 máy thở chức năng trung bình thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho 4 BV phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh sởi, cúm và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đây là những máy thở thuộc hàng dự trữ quốc gia cho phòng chống dịch, Bộ Y tế chưa từng xuất cấp lần nào.

Do đó, tôi khẳng định, Bộ Y tế không cấp máy cũ, máy đã sử dụng cho các bệnh viện. Toàn bộ 42 máy thở không hề có bất kỳ máy nào dùng lại.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, ngành y tế đảm bảo đủ văcxin sởi cung cấp cho việc tiêm chủng phòng toàn bộ các cháu trong đối tượng, tập trung cho trẻ 9 – 24 tháng tuổi.

Phó giám đốc BV Nhi TƯ Trần Minh Điển trả lời báo chí về công tác phòng chống dịch bệnh sởi tại BV.

Phó giám đốc BV Nhi TƯ Trần Minh Điển trả lời báo chí về công tác phòng chống dịch bệnh sởi tại BV. Ảnh: T.Minh.

Đại diện BV Nhi TƯ, TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV cho biết, hiện nay số bệnh nhân sởi đã bắt đầu giảm xuống. BV cũng đang thực hiện giảm tải ở nhiều khoa phòng chứ không phải chỉ riêng bệnh nhân sởi, cắt giảm phẫu thuật định kỳ, bệnh nhân hô hấp giảm nằm ghép… BV cũng bố trí khu dành riêng cho 50 bệnh nhi phải thở oxy đảm bảo hỗ trợ để dẫn đến tiến triển nặng. Những trẻ ban thoái lui, giảm sốt tỉnh ho húng hắng không giữ lại, cho về nhà, chăm sóc tại nhà, hàng ngày đưa con đến khám. TS Điển cũng khuyến cáo, sởi là bệnh rất dễ lây và sau nhiễm bị suy giảm miễn dịch, 1 tuần sau phát ban trẻ dễ bị lây virut lành từ bà mẹ nên cần hết sức chú ý giữ gìn cho trẻ, trẻ cần ăn uống nhẹ nhàng, dinh dưỡng tốt.

Về phác đồ điều trị từ năm 2009 vẫn sử dụng hợp lý, BV cũng cập nhật thêm phác đồ mới về hỗ trợ hô hấp, lọc máu, ECMO… để điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên giá thành mỗi ca điều trị bằng ECMO còn khá cao, khoảng 300 triệu đồng.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ phát biểu tại buổi họp báo.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: T.Minh

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết thêm, có 3 nguyên nhân có thể gây tử vong ở bệnh nhân sởi: do virut sởi biến chứng viêm cơ tim, não viêm và mắc sởi thể tối cấp. Những trường hợp bệnh sởi nặng có thể do bội nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, sai lầm trong khi chăm sóc trẻ, vệ sinh và dinh dưỡng kém dẫn đến cam tẩu mã, thối xương hàm, khô mắt, mù mắt...

Hạ Hiền - Dương Hải - Phúc Khánh

Video các chuyên gia trả lời PV tại buổi họp báo

 

Mời bạn đọc tải Quyết định 1327/Đ-BYT và Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi tại đây.

 


Ý kiến của bạn