Tín hiệu vui từ bệnh viện vệ tinh

03-10-2014 12:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại tỉnh Lào Cai vừa qua đã gây hậu quả rất lớn, với 14 người chết và hàng chục người bị thương.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại tỉnh Lào Cai vừa qua đã gây hậu quả rất lớn, với 14 người chết và hàng chục người bị thương. Nhìn vào danh sách những trường hợp bị chấn thương, các chuyên gia phẫu thuật, gây mê, hồi sức cấp cứu của các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức đều có chung đánh giá, các bác sĩ tại chỗ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai) thực hiện tốt quy trình và xử lý kịp thời các ca cấp cứu nạn nhân tai nạn, kể cả khi có thảm họa xảy ra.

Việc xử lý kịp thời như vậy là do những năm qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế khá đầy đủ và nhất là được chọn là bệnh viện vệ tinh, được học tập, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao từ các bệnh viện tuyến cuối.

Chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới giúp nâng cao thương hiệu cho cơ sở.

Từ vụ việc nêu trên cho thấy, ngành y tế còn nhiều vấn đề cần sớm giải quyết, nhất là cần tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới trong xử lý cấp cứu cho nạn nhân tai nạn nói riêng và cấp cứu cho người bệnh nói chung. Nếu năng lực y tế tuyến tỉnh yếu thì hậu quả chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không phải bệnh viện tuyến tỉnh nào, nhất là các tỉnh miền núi cũng được đầu tư đồng bộ như Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Trong khi đó, khu vực miền núi thường dễ xảy ra những vụ cấp cứu hàng loạt do tai nạn giao thông, thiên tai bão lũ...

Được biết, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang đề xuất Bộ Y tế xây dựng đề án đáp ứng nhanh cấp cứu thảm họa để nâng cao năng lực đối phó thiên tai, thảm họa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, ngành y tế cần thực hiện hiệu quả những giải pháp tăng cường năng lực cho bệnh viện tuyến dưới thông qua công tác chỉ đạo tuyến, đưa cán bộ về hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật (Đề án 1816)... nhất là triển khai hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh.

Triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh là biện pháp cụ thể hóa mục tiêu giảm tải bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ở xa các thành phố lớn. Đề án nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.

Tại TP.HCM, trong hai năm 2012 và 2013, hàng loạt bệnh viện tuyến quận, huyện đã được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Từ nền tảng này, một số khoa vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 1, 2, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình đã được hình thành tại các bệnh viện quận 2, Bình Tân, Tân Phú, An Bình; thành lập 48 phòng khám vệ tinh tại 12 bệnh viện quận huyện. Từ khi hình thành các Khoa vệ tinh, số lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện quận, huyện tăng cao hơn nhiều so với trước. Như Bệnh viện quận Tân Phú có tổng bệnh nhi tăng gấp 10 lần so với năm 2012, Bệnh viện quận Bình Tân tăng số lượng điều trị nội trú lên 40%, tỷ lệ chuyển viện giảm còn 15,3%, Bệnh viện quận 2 tăng 30% số lượng điều trị bệnh. Để giúp sức kéo giảm quá tải cho các bệnh viện thành phố, mô hình bệnh viện vệ tinh tại các bệnh viện tỉnh, thành phía Nam cũng đã được hình thành từ năm 2012.

Các bệnh viện chuyên khoa của TP.HCM tiến hành chuyển giao 80% kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, kể cả các kỹ thuật cao. Có thể kể đến 5 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu thành phố tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ; 4 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 1; 2 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố... Mô hình bệnh viện vệ tinh được kỳ vọng sẽ kéo giảm được 50% lượng bệnh nhân các tỉnh đến các bệnh viện của thành phố. Thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 100% trạm y tế được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất để đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế triển khai mô hình Bác sĩ gia đình. Mô hình Bác sĩ gia đình bắt đầu triển khai từ năm 2012 và mở rộng vào năm 2013, được ngành y tế thành phố kỳ vọng sẽ là bước đột phá bất ngờ, góp phần giảm tải bệnh viện. Thực hiện tốt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 vừa góp phần nâng cao năng lực y tế tuyến dưới về khám bệnh, chữa bệnh và giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao được thuận lợi, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Hoàng Yến


Ý kiến của bạn