Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động năm 2014. Mặc dù được thành lập từ năm 2006 nhưng bảo tàng đã trải qua rất nhiều khó khăn mới đạt được những thành tích trong nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, chế tác, thiết kế và trưng bày các mẫu vật để thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan như hiện nay.
Điểm đến hữu ích
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang thực sự là điểm đến hấp dẫn và cần thiết cho thiếu nhi. Theo số liệu từ ban quản lý Bảo tàng, mỗi ngày có từ 200 - 250 lượt khách tới đây tham quan. Nhiều trường cũng tổ chức theo đoàn, đưa học sinh tới tham quan kết hợp học tập. Hầu hết phụ huynh khi tới bảo tàng đều cho rằng, những địa điểm như thế này cần được tiếp tục phát triển và nhân rộng hơn nữa để thực sự là điểm đến hữu ích, giúp trẻ em vui chơi và tìm hiểu thiên nhiên. Tuy nhỏ, không gian (hơn 300m2) nhưng lượng mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng vô cùng phong phú. Nội dung và bố cục trưng bày khoa học, logic và hấp dẫn, rất bổ ích đối với khách tham quan, học sinh, sinh viên và giáo viên. Cùng hệ thống phim 3D về vũ trụ, khủng long... các em học sinh được tận mắt chứng kiến, thậm chí sờ vào mẫu vật nên rất thích thú, hiệu quả học tập cũng cao hơn vì bình thường các em chỉ được học qua sách vở.
Bảo tàng đang trưng bày trên 40.000 mẫu hiện vật gồm: thú, bò sát lưỡng cư, cá, côn trùng, mẫu hóa thạch, thực vật, các loài đặc hữu, mẫu chuẩn của các loài động vật, thực vật, cây, côn trùng tại Việt Nam được nhiều chuyên gia, tổ chức sinh học sưu tầm, hệ thống. Tại đây, từ những mẫu vật quý hiếm như khủng long tới mẫu hiện vật quen thuộc như: nấm, sâu, bướm, hổ, gấu, các giống côn trùng... đều được trưng bày. Không chỉ là một địa điểm tham quan, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam còn là địa điểm nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia và sinh viên đang theo học chuyên ngành sinh học, nông, lâm nghiệp, địa chất... Sinh viên các trường đại học đến tham quan và học tập không những ở Hà Nội mà còn từ các tỉnh khác.
Tiềm năng phát triển
Hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang hướng tới. Dù thành lập chưa lâu, nhưng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã và đang hợp tác với nhiều bảo tàng lịch sử tự nhiên, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới. Hợp tác về nghiên cứu về động vật, thực vật, côn trùng, sinh học phân tử, bảo quản và chế tác mẫu vật phục vụ nghiên cứu và trưng bày và cả về trưng bày triển lãm ảnh. Từ các hợp tác quốc tế mà nhiều mẫu vật sinh vật, cổ sinh của Việt Nam cũng như của nước ngoài được trao tặng cho bảo tàng. Đây là những nguồn vật mẫu quan trọng và có giá trị.
Các tổ chức mà Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã và đang hợp tác điển hình là viện nghiên cứu như: Viện Động vật St. Peterbua, Vườn thực vật chính Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Vườn thực vật Hoàng gia Edinburgh Anh, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London Anh, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York, Vườn thực vật New York, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Cleveland Hoa Kỳ, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris Pháp, Vườn thú Cologne Đức, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Bảo tàng Địa chất Nhật Bản, Bảo tàng Thiên nhiên và Khoa học Nhật Bản, Viện Động vật Côn Minh Trung Quốc, Viện Thực vật Vân Nam, Viện Thực vật Quảng Tây Trung Quốc...
Bên cạnh đó, bảo tàng cũng đã tổ chức 19 đợt tiếp nhận mẫu vật từ các cơ quan đơn vị, cá nhân trên cả nước, tiếp nhận được 204 xác động vật, trong đó có nhiều mẫu quý như bò tót, hổ, sư tử, gấu ngựa, cá mặt trăng, mèo rừng, 50 khúc ngà voi, 62 vỏ sò tai tượng, 175kg san hô đen. Đây là những mẫu rất có giá trị bổ sung vào “Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia” được bảo tàng lưu giữ phục vụ nghiên cứu và trưng bày. Đặc biệt, năm 2014, bảo tàng đã hoàn thành công trình Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới sau nhiều năm nỗ lực. Đây là công trình đầu tiên và vô cùng quan trọng của Việt Nam về thiên nhiên, phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu và học tập.
Nền tảng vững chắc của năm 2014 đã tạo sức bật mạnh mẽ cho năm 2015. Tính đến nay, bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đón hơn 50 nghìn lượt khách thăm quan, thậm chí có những ngày “quá tải”. Áp lực duy nhất đối với bảo tàng lúc này có lẽ là việc mở rộng không gian để có thể khắc phục được tình trạng “quá tải”, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan và nghiên cứu của học sinh, sinh viên không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp cả nước.
Vũ Quang