Hà Nội

Tín hiệu mới trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

13-03-2019 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Báo cáo của một nhóm các chuyên gia của Liên hợp quốc cho biết, Triều Tiên đang thành công trong việc lách các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, với các biện pháp tinh vi.

Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, điều này sẽ giúp Triều Tiên nhập khẩu dầu, mở rộng xuất khẩu than, bán vũ khí và xâm nhập các ngân hàng nước ngoài.

Báo cáo của nhóm chuyên gia về các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên được đưa ra 2 lần trong năm. Ông Hugh Griffiths, điều phối viên thuộc Ủy ban chuyên gia Liên hợp quốc về Triều Tiên cho biết, Triều Tiên đang sử dụng các biện pháp tinh vi để lách các lệnh trừng phạt quốc tế, các biện pháp nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng có được các nguồn tài chính cho chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của nước này. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Liên hợp quốc, Triều Tiên đã bán vũ khí nhỏ và phần cứng quân sự cho các nhóm phiến quân Hu-thi (Houthi) ở Yê-men và các tay súng ở Li-bi và Xu-đăng. Các biện pháp khác mà Triều Tiên đã sử dụng nhằm tăng nguồn thu, bao gồm xâm nhập các ngân hàng nước ngoài và giao dịch trái phép trên biển các sản phẩm từ dầu và than. Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, mức độ vi phạm của Triều Tiên đã tăng cả về quy mô và mức độ tinh vi.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cam kết sẽ phát triển kinh tế.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cam kết sẽ phát triển kinh tế.

Truyền thông Triều Tiên ngày 12/3 đăng các bài viết khẳng định nước này vẫn cam kết chắc chắn tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đây là lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên đề cập phi hạt nhân hóa hoàn toàn kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Uriminzokkiri, một trong những trang tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên, đăng bài viết nhan đề “Con đường dẫn tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn” là lập trường kiên định của chúng tôi, trong đó nêu rõ “lập trường kiên định của Triều Tiên là thiết lập quan hệ mới với Mỹ, xây dựng cơ chế hòa bình vững chắc và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Trang Uriminzokkiri đăng bài viết này trong bối cảnh có những thông tin về hoạt động mới tại bãi thử tên lửa của Triều Tiên, làm dấy lên lo ngại nước này có thể nối lại việc thử vũ khí sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc mà không có thỏa thuận.

Trong một diễn biến liên quan, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun cho biết nước này vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên, mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Phát biểu tại một hội thảo về hạt nhân do Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie tổ chức tại Washington, ông Biegun nêu rõ biện pháp ngoại giao vẫn được duy trì và Washington không muốn phi hạt nhân hóa dần dần mà mong muốn một giải pháp toàn diện. Phía Mỹ muốn toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Triều Tiên bị tiêu hủy, chứ không chỉ riêng vũ khí hạt nhân. Ông bày tỏ tin tưởng rằng hai nước sẽ sớm đạt được kết quả tích cực do hậu quả của thất bại sẽ là “rất lớn” cho cả hai bên. Theo đặc phái viên Biegun, Tổng thống Trump không mong muốn áp đặt hay duy trì các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên. Ông cho rằng việc dỡ bỏ trừng phạt hiện nay sẽ tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí. Do đó, Mỹ sẽ không rút lại lệnh trừng phạt trừ phi tiến trình phi hạt nhân hóa được hoàn tất. Ông cũng lưu ý rằng tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Trump bao trùm nhiều vấn đề, chứ không chỉ phi hạt nhân hóa. Mỹ đang hướng tới thay đổi các mối quan hệ với Triều Tiên, thiết lập một cơ chế hòa bình thường trực trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như hồi hương hài cốt của binh lính Mỹ tử trận trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Ở một góc nhìn khác, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Trump cam kết đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc vào tháng trước. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay, Tổng thống Trump đã cảm thấy chưa đủ các yếu tố để đạt thỏa thuận khi ông quyết định rời khỏi Hội nghị Thượng đỉnh này tại Việt Nam vào ngày 27 và 28/2 vừa qua. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cam kết “100%” với mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đảm bảo mọi nỗ lực để thúc đẩy quá trình này.

Bình luận về các diễn tiến trên bán đảo Triều Tiên, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je nhận định Mỹ dường như cho rằng việc thể hiện mong muốn nối lại các cuộc đàm phán sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội sẽ phụ thuộc vào Triều Tiên. Washington được cho là đang chờ đợi quan điểm lập trường của Triều Tiên về các cuộc gặp tiếp theo. Đại sứ Hàn Quốc cũng cho hay trong các cuộc gặp với giới chức Mỹ trong tuần này, ông sẽ thảo luận về triển vọng, các biện pháp thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều tiếp theo, cũng như sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Mỹ.


N.Minh
Ý kiến của bạn