Hà Nội

Tín hiệu hồi sinh trong quan hệ Nga Mỹ

16-05-2019 07:02 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những động thái gần đây giữa Nga và Mỹ đang “làm sống dậy” mối quan hệ Nga Mỹ tưởng như đã “vô phương cứu chữa” bởi những mâu thuẫn chồng chất từ vấn đề song phương đến các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Dư luận cho rằng, có thời điểm, những màn trả đũa ngoại giao qua lại rầm rộ  giữa Nga và Mỹ đẩy  căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới lên đến tột đỉnh, hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Thậm chí, người ta lo ngại một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu là Nga và Mỹ.

Chìa vàng mở khóa quan hệ

Dù được cho là người có nhiều quyết định bất ngờ và khác thường nhất trong những Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump lại chính là người phát tín hiệu nhằm khôi phục mối quan hệ Nga Mỹ đang rơi vào vực sâu khủng hoảng. Đó là cuộc điện thoại ở cấp cao nhất giữa Tổng thống Mỹ và Nga hồi đầu tháng 5. Điều này cho thấy một khi Mỹ “bắt nhịp” thì Nga cũng sẽ hòa theo.

Sau cuộc điện đàm ngoại giao đó, ngày 14/5, Ngoại trưởng Nga Mỹ đã có cuộc hội đàm tại Sochi, LB Nga, thu hút sự chú ý của dư luận. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga quan tâm tới bình thường hóa đối thoại song phương với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cân nhắc tới lợi ích của mỗi bên. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nêu ra những vấn đề mà Nga và Mỹ có thể hợp tác như việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Afghanistan và thiết lập đối thoại chiến lược.

Quan hệ Nga Mỹ khó có thể cải thiện một sớm một chiều

Một số vấn đề như Triều Tiên, Syria hay kiểm soát vũ khí hai bên đã có những tiếng nói chung, tuy nhiên nhiều “hồ sơ” nóng của thế giới như vấn đề Iran, Venezuela, hay Ukraine…. , Nga và Mỹ còn nhiều khác biệt. Kể cả những vấn đề đã đi đến thống nhất, giữa Nga và Mỹ vẫn chưa thể “xích lại gần nhau”, ví dụ như cách thức để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hay vấn đề mấu chốt trong cuộc khủng hoảng Syria là số phận của Tổng thống Assad  lại bị hai bên “né tránh”. Cuộc khủng hoảng ở Venezuela cũng vậy, Nga và Mỹ đứng ở hai phía khi Nga ủng hộ Chính quyền của Tổng thống Maduro, trong khi Mỹ ủng hộ lãnh đạo đối lập….

Đối với vấn đề Iran, tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Sochi, ông Pompeo tuyên bố nếu các lợi ích của Mỹ bị tấn công, thì Washington gần như chắc chắn sẽ đáp trả một cách thích đáng…. Hay vấn đề vô cùng nhạy cảm Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tái khẳng định quan điểm không công nhận việc sáp nhập Crimea của Nga – một vấn đề mà Chính phủ Nga không còn muốn thảo luận….

Đằng sau những cái bắt tay ngoại giao

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ mới đây là cuộc gặp cấp Bộ trưởng lần thứ 2  trong vòng 1 tháng và cũng là cuộc gặp trong chuyến thăm đầu tiên tới Nga của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kể từ khi ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao. Cuộc gặp  như một lời khẳng định Mỹ đang tìm hướng cải thiện quan hệ với Nga. Trong cuộc hội đàm lần này, nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm đã được đặt lên bàn thảo luận, nhằm  gỡ các nút thắt đang cản trở quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Tại sao ở thời điểm này hai nước đều có chung ý định cải thiện quan hệ hay đằng sau những cái bắt tay ngoại giao đó là gì…. là những câu hỏi mà dư luận quan tâm. Theo Tổng thống Nga V.Putin, tình hình hiện nay đang thay đổi, Moscow và Washington có lợi ích chung "trong lĩnh vực duy trì sự ổn định chiến lược, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, chống tội phạm có tổ chức, đấu tranh giải quyết vấn đề môi trường và nghèo đói trên thế giới". Thậm chí, trong vấn đề mang tính cạnh tranh cao như việc sản xuất, khai thác dầu khí, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng hai nước có thể hợp tác với nhau để ổn định thị trường năng lượng thế giới.

Tổng thống Mỹ từng thẳng thừng hủy các cuộc hội đàm ngoại giao với Nga, nếu cuộc tiếp xúc đầu tiên cấp Tổng thống giữa Nga và Mỹ diễn ra tại Hội nghị G20 sắp tới sẽ là lời cam kết chắc chắn nhất về cải thiện quan hệ hai bên. Chưa biết quan hệ Nga Mỹ sẽ được thúc đẩy đến đâu, nhưng nguyên việc hai bên cùng nhất trí ngồi vào bàn nói chuyện, khôi phục các kênh liên lạc vốn đã bị “đóng băng” do những căng thẳng thời gian qua đã là một bước tiến, một tín hiệu vui thấy hai bên đã thay đổi nhận thức, quan hệ hai nước thực sự bắt đầu được “tái sinh”.


Hải Yến
Ý kiến của bạn