Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an nhằm đảm bảo an ninh trật tự an toàn cuộc sống nhân dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Thời gian qua, lực lượng công an các địa phương trong cả nước đồng loạt lên kế hoạch ra quân và tấn công triệt phá nhiều băng nhóm liên quan đến các hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích..., tạm giữ nhiều đối tượng.
Nhiều hệ lụy
Thời gian gần đây, tín dụng đen nổi lên như là một vấn đề xã hội lớn, khắp nơi trên những con phố đẹp, tuyến đường lớn, tín dụng đen quảng cáo, rao vặt công khai với cái gọi là hỗ trợ tài chính, vay nhanh - trả gọn, cầm đồ, bốc bát họ... Dù không phải là hình thức kinh doanh hợp pháp nhưng tín dụng đen vẫn cứ len lỏi vào cuộc sống của người dân dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thủ tục đơn giản dễ vay là cái bẫy cho người dân khi vay lãi.
Đặc điểm chung của tín dụng đen là thủ tục rất đơn giản nhưng lãi suất cao đến mức “cắt cổ”, không chỉ vài ngàn đồng cho mỗi triệu vay mượn mà nếu tính theo phần trăm có thể lên tới hàng trăm phần trăm, tức tiền lãi còn nhiều hơn cả tiền gốc. Nhiều người vay tín dụng đen do lãi quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con nhưng không có khả năng chi trả còn bị các đối tượng cho vay truy đuổi, khủng bố đòi nợ, ảnh hưởng tới không chỉ bản thân người đi vay mà còn cả gia đình, không chỉ là về tiền mà còn đôi khi liên quan cả tính mạng, gây ảnh hưởng đến xã hội.
Qua triệt phá một số băng nhóm, xác minh nhân thân các đối tượng bị bắt, hầu hết đều có tiền án, tiền sự hoặc có quan hệ với nhiều đối tượng hình sự, ma túy. Các đối tượng này thừa nhận hành vi cho vay nặng lãi với những thủ đoạn hết sức tinh vi để lách các quy định pháp luật và điều tra của công an. Theo đó, việc vay mượn thông qua hợp đồng vay và trả góp không quá mức lãi suất được quy định, nhưng bọn chúng không đưa hợp đồng cho người vay. Thực tế, đằng sau đó là lãi suất cắt cổ từ 20-40%, đây cũng là thủ đoạn phổ biến và rất nguy hiểm. Khi người vay có tiền đi trả vốn thì nhân viên tìm mọi thủ đoạn không cho người vay gặp chủ cho vay để trả vốn nhằm kéo dài thời gian trả lãi dẫn đến người vay không thể thoát nợ. Còn nếu không trả đủ lãi thì họ sẽ cộng số lãi này vào tiền gốc. Cứ như vậy, số tiền nợ ngày càng nhiều, đến khi không còn khả năng chi trả thì các đối tượng này đe dọa hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép để lấy nhà hoặc bán nhà, tài sản trả nợ.
Siết chặt tín dụng đen
Thực tế, do nhu cầu lớn với tổng quy mô tới hàng chục, hàng trăm triệu đô-la cho nên dù tín dụng đen không phải hình thức hợp pháp nhưng vẫn cứ tồn tại. Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng Chính phủ nên có những quy định đối với hoạt động tín dụng phi pháp bằng cách đưa vào quản lý, tạo điều kiện để các công ty tài chính phát triển thay thế tín dụng đen, dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số công ty tài chính lại gây bức xúc cho người tiêu dùng như đòi nợ bằng cách khủng bố tin nhắn, lãi suất lúc mời gọi cho vay một đằng, đến khi áp dụng lại một nẻo, nhiều người vay thậm chí bị áp mức lãi suất và lãi phạt tổng cộng tới 70-80%, chẳng khác nào tín dụng đen.
Trước thực trạng này, ngày 15/5/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay... Trong khi tín dụng tiêu dùng đã có, đã được đưa vào quản lý nhưng vẫn chưa thực sự hút nhiều người tiêu dùng. Song song đó, tín dụng đen và cho vay nặng lãi vẫn cứ phát triển. Trên khắp các ngả đường, ngõ xóm, không khó để bắt gặp những biển quảng cáo mời gọi vay vốn hấp dẫn như vay không cần thế chấp, vay lãi suất ưu đãi, vay đến cả trăm triệu đồng mỗi ngày bởi thủ tục rất đơn giản, trong khi đó, người dân muốn tiếp cận vay vốn của ngân hàng hay các TCTD thì thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp...
Do đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa ban hành ngày 8/6/2018, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Với những quy định về siết chặt hoạt động của công ty tài chính và chỉ đạo mới nhất từ Chính phủ, có lẽ tín dụng đen sắp tới sẽ khó có “cửa” để phát mạnh như thời gian qua.
Nhóm đối tượng chuyên bảo kê, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích ở Thanh Hóa.
Xử lý ra sao?
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ ban ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo về vấn đề này. Đồng thời, đề nghị lực lượng công an phối hợp chính quyền cơ sở tổ chức các đợt truy quét, tấn công tín dụng đen, sớm đưa ra xử lý một số vụ điển hình với hình phạt nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, nhằm đối phó với tín dụng đen, Bộ Công an sẽ phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn, huy động sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Bên cạnh đó, sẽ làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn, các đối tượng bất minh về kinh tế nghi vấn có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có liên quan đến đòi nợ, cầm đồ.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, muốn xử lý nghiêm hành vi cho vay nặng lãi nhưng việc xử lý hình sự các vi phạm này rất khó vì vướng quy định. Trước đây, theo Bộ luật Hình sự cũ, gần như không vụ nào có thể khởi tố được vì căn cứ định tội phải “có tính chất bóc lột”, “phải có giá trị thặng dư” trong khi các nạn nhân không phải người lao động nên không thể có bóc lột. Vì không bị xử lý nặng nên các băng nhóm này hoành hành.
Trong Bộ luật Hình sự mới vừa có hiệu lực quy định: lãi suất khoảng 8,33% mỗi tháng, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, bị xử lý bằng hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù nhưng không được tạm giam.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, sẽ mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức, các băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật; Tiếp tục rà soát nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Trong khi đó, trần lãi suất theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 là khoảng 20%/năm, tức khoảng gần 1,7%/tháng. Như vậy, cho vay với lãi suất từ 8,5%/tháng trở lên là có thể bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi.
Bộ luật Hình sự 2015 đã cụ thể hơn đối với các tội cho vay nặng lãi, tuy nhiên, các chủ tín dụng đen thường chia nhỏ số tiền cho vay nên khó chứng minh họ thu lợi trên 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, chủ các đường dây tín dụng đen cũng lách luật bằng cách ghi hợp đồng cho vay dưới hình thức khác hoặc ghi giấy nợ không rõ ràng, lấy lãi theo ngày nên rất khó xác định dấu hiệu vi phạm.