"Tín dụng đen”: Người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm

04-06-2019 09:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, trong đó trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan “tín dụng đen”

Năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”).

Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm (riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12/2018 đến 15/2/2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan “tín dụng đen”); trong đó, đã chủ động đồng loạt ra quân, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Điển hình như: Vụ phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, thu giữ 11 tỷ đồng, 3 xe ôtô tại Hà Nội; vụ triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen núp dưới danh nghĩa Công ty Tài chính Nam Long, bắt giữ 18 đối tượng thuộc 32 chi nhánh ở nhiều địa phương tại Thanh Hóa... Những kết quả này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng không còn manh động, công khai như trước.

Người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm

Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về vấn đề tín dụng đen đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng chống tín dụng đen. Tuy nhiên, theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2019, mới xử lý được 933 băng nhóm của loại tội phạm này, giảm không nhiều so với năm 2018. Điều đáng quan tâm là trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đen của năm 2018, chỉ có 34 vụ bị xử vì cho vay nặng lãi. Đại biểu đặt câu hỏi đâu là giải pháp giải quyết dứt điểm loại tội phạm này?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, băng nhóm tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm phức tạp khác. Bản chất của tín dụng đen là quan hệ về dân sự, quan hệ về kinh tế, nhưng có giới hạn là vấn đề kinh tế, vượt quá giới hạn là vấn đề hình sự. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hiện nay.

Bộ Công an cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 phân công phân trách nhiệm cụ thể cho các ngành giải quyết về tín dụng đen, góp phần làm giảm phức tạp của tín dụng đen này.

“Về mặt pháp luật, Bộ Công an cũng đã đề xuất có hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen, vi phạm pháp luật của hoạt động này, ranh giới giữa hành chính, dân sự, hình sự có sự liên kết, khiến nhiều đối tượng lợi dụng một số quy định luật pháp liên quan”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.

Thời gian tới Bộ Công an cũng sẽ phối hợp các Ngân hàng đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo cho người dân tiếp cận vốn lành mạnh, để không có cơ hội cho tín dụng đen có đất hoạt động.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng “nhiều gia đình bất an lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn con cái, thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần do ham mê đánh bạc, cá cược online từ đó vay tín dụng đen để sử dụng vào mục đích không chính đáng của bản thân khi cần lãi suất cao vẫn chấp nhận”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hiện nay tội phạm đã lợi dụng quan hệ dân sự - kinh tế giữa người vay và người đi vay để tiến hành hoạt động tội phạm. Theo Bộ trưởng, người đi vay có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Bởi nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó có điều kiện, đủ điều kiện kinh doanh trả lãi cao lên tới 300%.

“Người đi vay cũng có mục tiêu để vi phạm pháp luật không lành mạnh như: Cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hoặc lừa đảo. Những người cho vay đằng sau là những tổ chức tội phạm, đằng sau bản thân cũng là đối tượng hình sự, nếu không thì cũng nuôi, chăm sóc đối tượng hình sự để phục vụ cho tín dụng đen của mình. Tín dụng đen là giới hạn phạm vi của tội phạm hình sự. Từ quan hệ dân sự, diễn biến trở thành quan hệ hình sự. Từ người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.

5 tháng: 289 vụ hiếp dâm phụ nữ, trẻ em

Năm 2018 và quý I năm 2019, lực lượng CAND đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán.

Về tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, 5 tháng đầu năm 2019 xảy ra 289 vụ hiếp dâm phụ nữ, trẻ em (trong đó có 162 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi); 5 vụ cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 Bộ luật hình sự); 244 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật Hình sự); 114 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật Hình sự)…

D.Hải
Ý kiến của bạn