Hà Nội

Tin đồn vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật

10-09-2024 12:49 | Xã hội

SKĐS - Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xác định, qua kiểm tra, theo dõi tất cả các tuyến đê trên địa bàn, không chỗ nào bị vỡ, hệ thống đê vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn. Do đó, thông tin vỡ đê ở Hải Dương là không đúng, sai sự thật.

Sáng nay (10/9), trên một số trang mạng xã hội lan truyền tin đồn về việc vỡ đê ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương như: huyện Thanh Hà, huyện Nam Sách, huyện Cẩm Giàng… khiến người dân hoang mang. Từ thông tin thất thiệt này nhiều gia đình lo lắng nên đã chuẩn bị đồ dùng, lương thực, thực phẩm… phần nào ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Clip: Nước trên sông Luộc đang lên cao.

Liên quan đến sự việc trên, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xác định, qua kiểm tra, theo dõi tất cả các tuyến đê trên địa bàn, không chỗ nào bị vỡ, hệ thống đê vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn. Do đó, tin đồn một số huyện trên địa bàn Hải Dương bị vỡ đê là thông tin không đúng, sai sự thật.

Tin đồn vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật- Ảnh 1.

Tin đồn vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật- Ảnh 2.

Nước sông Luộc đoạn qua thị trấn Ninh Giang dâng cao.

Theo tin cảnh báo lũ trên các sông tỉnh Hải Dương của Đài Khí tượng thủỷ văn tỉnh, từ ngày 9/9 đến ngày 11/9, trên các sông khu vực thượng lưu Hải Dương sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,0-3,0m. Mực nước sông Thái Bình sẽ tiếp tục lên vượt mức báo động II và có thể tiếp tục lên.

Trước sự việc trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số II trên hệ thống sông Thái Bình từ 7h sáng nay (10/9).

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành triển khai lực lượng, thực hiện tuần tra canh gác đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu.

Tin đồn vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật- Ảnh 3.

Tin đồn vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật- Ảnh 4.

Thông tin một số địa phương ở Hải Dương bị vỡ đê là sai sự thật, không đúng.

Thông tin thực hiện ngay việc cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh. Di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản khác ngoài bãi sông, trên sông để đảm bảo an toàn; thu hoạch ngay các sản phẩm nông nghiệp ngoài bãi sông đã đến kỳ.

Di chuyển các lồng cá về nơi an toàn, trường hợp không thể di chuyển phải gia cố lồng bè đảm bảo an toàn. Triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài bãi sông… Chủ động chuẩn bị sẵn sàng, chi tiết, cụ thể phương án để sơ tán dân đến nơi an toàn, khi có lệnh là thực hiện ngay, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chậm trễ dẫn đến thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.

Tin đồn vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật- Ảnh 5.

Tin đồn vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật- Ảnh 6.

Hình ảnh sau bão số 3 tại tỉnh Hải Dương.

Triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác đê trên các tuyến đê đảm bảo từng vị trí đê đều phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, đặc biệt chú ý các trọng điểm xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành…

Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình không kịp thời phát hiện gây sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hình ảnh sập cầu Phong Châu 

Đức Tùy
Ý kiến của bạn