Tin đồn vỡ đập thủy điện: Dân không hoảng loạn mới lạ!

03-10-2013 14:56 | Thời sự
google news

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho rằng, nếu ông là người dân ở các xã vùng rốn lũ của huyện Đại Lộc, khi không có mưa to gió lớn mà nước sông cứ lên ngời ngời như thế, thì ông cũng hoảng loạn giống như người dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho rằng, nếu ông là người dân ở các xã vùng rốn lũ của huyện Đại Lộc, khi không có mưa to gió lớn mà nước sông cứ lên ngời ngời như thế, thì ông cũng hoảng loạn giống như người dân.

Sáng nay 3/10, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung Tây Nguyên đã có báo cáo về tình hình xả lũ ở thủy điện Đăk Mi 4 và một số thủy điện ở khu vực. Theo đó, lúc 12 giờ ngày 2/10, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả lũ về hạ du với lưu lượng 2.744 m3/s  làm cho mực nước các sông vùng hạ du lên nhanh bất thường. Đến 5 giờ sáng ngày 3/10 lượng xả lũ của thủy điện Đăk Mi 4 là 814 m3/s.

Tin đồn vỡ đập thủy điện: Dân không hoảng loạn mới lạ! 1
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ nhưng không thông báo kịp thời khiến người dân hạ du cho rằng vỡ đập thủy điện, gây cảnh hỗn loạn

Lãnh đạo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung Tây Nguyên đã báo cáo vấn đề này với Cục trưởng - Chánh văn phòng ban chủ đạo PCLB Trung ương. Theo báo cáo của Trung tâm, hiện các hồ chứa trong khu vực đang vận hành bình thường; trong đó có 6/21 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn mức cao như Thủy điện A Lưới (TT - Huế), Đắk Mi 4A (Quảng Nam), thủy điện Sê San 3, Sê San 4, Sê San 4A, Yaly (Gia Lai).

Một số hồ xả tràn để điều tiết như Hương Điền (TT Huế), sông Ba Hạ (Phú Yên), Pleikrông (Kon Tum), hồ Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpôk 3 (Đắk Lắk).

Sáng nay 3/10, tại hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” tại Hội An do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Liên Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức, trao đổi với PV bên lề cuộc hội thảo, ông Đỗ Xuân Yến - Trưởng Ban quản lý thủy điện Đăk Mi 4 - xác nhận đã phát ra thông báo lũ lúc 7 giờ sáng và xả lũ lúc 8 giờ với lưu lượng xả 200m3/s. Lúc xả lưu lượng cao nhất là 2.300m3/s, trong khi đó lưu lượng lũ về là 2.700m3/s.

Về việc dân nghe tin đồn vỡ đập gây ra tình trạng hoảng loạn, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng - cho biết, không những người dân ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hoảng loạn mà người dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng rất hoang mang với tin đồn vỡ đập thủy điện.
 
Tin đồn vỡ đập thủy điện: Dân không hoảng loạn mới lạ! 2
Một số tuyến đường tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bị ngập do Đăk Mi 4 xả lũ

Nguyên nhân là do thủy điện Đăk Mi 4 khi xả lũ, nước sau khi chảy qua sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) sẽ chảy về sông Yên, sông Cẩm Lệ và đổ ra sông Hàn (Đà Nẵng).

Ông Thắng cho rằng, mặc dù đã có quy trình xả lũ của các hồ thủy điện được ký kết giữa lãnh đạo 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng người dân vẫn cần được thông tin về việc xả lũ. “Theo tôi cần phải đưa thông tin một cách nhanh và chính xác nhất từ công trình thủy điện đến trực tiếp người dân để họ không còn hoảng sợ vì tin đồn nữa”, ông Thắng cho biết.

Ông Thắng cũng chia sẻ rằng, nếu ông là người dân ở các xã vùng rốn lũ của huyện Đại Lộc, khi không có mưa to gió lớn mà nước sông cứ lên ngời ngời như thế, trong khi đó không được báo thông tin chính xác nước lũ lên là do đâu, thì ông cũng hoảng loạn giống như người dân.

Theo Dân trí


Ý kiến của bạn