Tin điềm xấu, hủy hoại bản thân

22-12-2015 14:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Theo các nhà khoa học, tin những điều mê tín dị đoan là vô nghĩa, thậm chí có thể dẫn đến tai họa.

Theo các nhà khoa học, tin những điều mê tín dị đoan là vô nghĩa, thậm chí có thể dẫn đến tai họa.

Con số 13 mang đến điều xấu

Đó là năm 1898. Doanh nhân Vương quốc Anh Woolf Joel đặt bàn tiệc cho 14 thực khách tại khách sạn Savoy nổi tiếng London. Vào phút chót, một trong số khách mời vắng mặt vì lý do bất khả kháng. Vậy nên chỉ có 13 người dự tiệc. Không tin điển tích dị đoan, theo đó 13 người ngồi một bàn sẽ mang đến rủi ro, doanh nhân vẫn tổ chức sự kiện. Ba tuần sau, Wolf tử nạn khi quay về Nam Phi tiếp tục công việc làm ăn.

Nhiều người mê tín bị ám ảnh bởi định kiến, phân tâm và gây hại cho bản thân.

Liệu con số 13 thật sự tiềm ẩn sức mạnh xấu xa bí hiểm nào đó? Các nhà khoa học bác bỏ khả năng này, bởi không ai tìm thấy bất cứ bằng chứng nào. Họ lý giải hiện tượng một cách đơn giản: đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, là tập hợp những biến cố rủi ro người mê tín kết nối với nhau và coi như chứng cứ xác nhận giả thiết. Thậm chí Ban giám đốc khách sạn Savoy nổi tiếng cũng tin con số 13 là nguy hiểm. Suốt nhiều năm thực khách không thể tổ chức bàn tiệc 13 suất. Trường hợp thiếu người sẽ có nhân viên khách sạn đóng thế!

Đến những năm 20 thế kỷ XX nguyên tắc “nhân viên đóng thế” bị loại bỏ, nhưng lòng tin vào con số 13 rủi ro vẫn không đổi. Chủ khách sạn đặt nhà điêu khắc tài hoa hoàn thành pho tượng sắm vai bùa hộ mệnh. “Một chú mèo bằng gỗ cực đẹp thuộc trường phái nghệ thuật trang trí sẽ ngồi vào bàn tiệc 13 người. Nhân viên chạy bàn chuẩn bị cho “thực khách thứ 14” bộ đồ ăn, đồ uống và tiếp các món y chang 13 thực khách còn lại” - GS. Richard Wiseman (Đại học Hertfordshire), chuyên gia tâm lý học viết trong cuốn sách “Dị thường học”.

Thứ 6 ngày 13 - định kiến hại người

Tại châu Âu và Mỹ mọi người sợ con số 13. Trái lại, người Trung Quốc và Nhật Bản tránh con số 4 - theo tiếng Trung và tiếng Nhật chữ “chết” và “bốn” phát âm gần y hệt. Liệu nỗi lo sợ này thực sự có cơ sở? Chuyên gia xã hội học Mỹ, GS. David Philips đã quyết định giải đáp câu hỏi này. Kết quả công trình nghiên cứu của ông đã được công bố trên British Medical Journal (tạp chí Y học Anh quốc), một trong những tạp chí y học có uy tín nhất thế giới.

Nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu mối quan hệ giữa định kiến và thời điểm tử vong. Nhằm mục đích này, GS. Philips phân tích dữ liệu về 47 triệu công dân Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đã qua đời trong thời kỳ 1973-1998. Thực tế cho thấy, trong cư dân người Hoa và Nhật những ca tử vong do hậu quả suy tim xảy ra vào mỗi ngày thứ 4 hàng tháng cao hơn 7% so với những ngày còn lại trong tháng. Dẫu sự thật không phát hiện mối quan hệ như thế trong dân Mỹ, song GS. Philips cho rằng, hiện tượng bất thường trong cư dân hai quốc gia châu Á hẳn có nguyên nhân. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa con số 4 là sát thủ. Chính định kiến đã hại người.

“Hoàn toàn vô thức, những người mê tín đã tự giết mình” - GS. David Philips lý giải. Bởi tin vào vận đen của con số 4, ngày thứ tư hàng tháng người Hoa và người Nhật rơi vào trạng thái stress, tiếp theo tình trạng tinh thần căng thẳng gây rối loạn chức năng tim dẫn đến đột quỵ.

Những người tin vào số 13 đen đủi cũng gặp rắc rối nghiêm trọng, thực tế đã được bác sĩ người Anh, ông Thomas J. Scanlon chứng minh. Nhà khoa học đã quan sát tình hình giao thông trên đường phố London và kiểm tra con số bệnh nhân được tiếp nhận vào khoa cấp cứu ngày thứ 6 hàng tuần. Các con số thống kê đều thống nhất: các ngày thứ 6 rơi vào ngày 13 hàng tháng ghi nhận số lượng xe hơi lưu thông trên đường ít hơn hẳn so với những ngày thứ 6 còn lại. Rõ ràng lái xe tính khí “Trương Phi” tránh điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vào thứ 6 ngày 13. Đồng thời, vào ngày thứ 6 “đen” hàng tháng các bác sĩ trực bận nhiều việc nhất, bởi đó là ngày xảy ra số lượng kỷ lục các vụ tai nạn giao thông - cao hơn tới 52% so với những ngày thứ 6 khác!

Nhà khoa học Phần Lan, GS. Simo Nayha (Đại học Oulu) cũng giới thiệu những kết quả nghiên cứu tương tự trên American Journal of Psychiatry (tạp chí Bệnh học tâm thần Mỹ). GS. Nayha đã phân tích những tai nạn xảy ra trên đường Phần Lan vào thứ 6 ngày 13 hàng tháng trong thời gian 1971-1997. Số mày râu tử nạn trong những ngày “đen tối” đó cao hơn 5% so với những ngày thứ 6 còn lại. Trong phụ nữ, tỷ lệ tử vong thậm chí còn cao hơn tới 38%. Liệu điều đó có chứng tỏ con số 13 thực sự chứa sức mạnh bí hiểm? Có, nhưng theo cách hiểu khác so với những người mê tín.

“Hai tập thể các nhà khoa học thuộc hai quốc gia khác nhau tiến hành nghiên cứu độc lập đều coi sự căng thẳng nhiều lái xe cảm nhận vào ngày tệ hại nhất trong tháng (theo định kiến của họ) là nguyên nhân tăng vọt con số các vụ tai nạn” - GS. Wiseman nhấn mạnh. Như vậy chính niềm tin vào định kiến đã giết người mê tín.

(Nguồn: Jak wiara w zle moce moze doprowadzic do smierci?)


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn