Tuyển dụng trực tuyến - Xu hướng tìm việc mới
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội cho biết, người sử dụng lao động tiến hành tuyển dụng trực tuyến, còn người lao động (NLĐ) tìm việc làm qua các website, mạng xã hội, như Facebook, Zalo... là xu hướng phổ biến hiện nay. Trên các trang tuyển dụng trực tuyến của trung tâm thường xuyên có hơn 4.000 đơn vị đăng ký tuyển dụng, gần 3.000 hồ sơ ứng tuyển với nhiều vị trí việc làm.
Để kết nối NLĐ với người sử dụng lao động, các tổ chức, cá nhân đã đẩy mạnh công tác tuyển dụng theo hình thức trực tuyến qua các website, Facebook… Trên cổng thông tin điện tử việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (vieclamvietnam.gov.vn) liên tục có hàng nghìn vị trí công việc cần tìm người và người cần tìm việc.
Tại Hà Nội, Trung tâm DVVL duy trì hình thức kết nối cung - cầu về lao động, việc làm trực tiếp thông qua các phiên giao dịch diễn ra từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần tại 15 sàn giao dịch việc làm cố định; đồng thời kết nối việc làm trực tuyến qua trang tin vieclamhanoi.net và trên Facebook Trung tâm DVVL Hà Nội.
Ông Nguyễn Bình Can, Giám đốc Công ty Thương mại sản xuất thang máy HT cho biết: “Sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, công ty chúng tôi liên tục đăng ký tuyển dụng 3.000 lao động thông qua nhiều kênh thông tin. Qua mạng xã hội Facebook, Zalo, chúng tôi đã tiếp cận được với nhiều người có nhu cầu tìm việc”.
Theo ông Vũ Quang Thành, việc tìm hiểu thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội rất tiện lợi. NLĐ có nhiều cơ hội để tìm hiểu, lựa chọn những công việc phù hợp. Sau khi xác định rõ công việc yêu thích, người tìm việc có thể trao đổi trực tuyến với người tuyển dụng để tìm hiểu rõ hơn về vị trí dự định ứng tuyển, giảm thời gian đi lại và chi phí phát sinh không mong muốn.
Sàn giao dịch việc làm online – Lựa chọn mới cho người tìm việc.
Coi chừng bị lừa
Bên cạnh tính tiện lợi, hình thức tuyển dụng qua mạng xã hội cũng bị một số người lợi dụng để lừa đảo khi thấy nhu cầu tìm việc của NLĐ tăng cao.
Mới đây, em Lưu Trung K, sinh viên Trường ĐH Thương mại Hà Nội lên Facebook để tìm hiểu về thị trường việc làm. Trong vô vàn thông tin tuyển dụng, K. lựa chọn công việc bán hàng tại một siêu thị tư nhân với tiền công hứa hẹn là 40.000 đồng/giờ, cao hơn 2 lần mặt bằng chung. Trải qua cuộc phỏng vấn đơn giản, K. trúng tuyển vào vị trí công việc. Chưa kịp mừng vì tìm được công việc phù hợp, thì phía sử dụng lao động đề nghị K. nộp 500.000 đồng mua đồng phục, làm thẻ nhân viên kèm theo bản công chứng một số giấy tờ tùy thân. Sau 2 tuần không thấy ai gọi đi làm, K. tìm đến địa chỉ tuyển dụng, thì văn phòng đã đóng cửa. Trang tuyển dụng trên Facebook cũng không còn hoạt động.
Trường hợp khác mắc bẫy tuyển dụng lao động trên mạng xã hội là chị Hoàng Bích L., (huyện Thanh Oai). Chị L. cho biết, trong giai đoạn bị giãn việc, chị lên Facebook và thấy dòng giới thiệu của một cửa hàng mỹ phẩm tuyển cộng tác viên bán hàng online chiết khấu khá cao. Tin lời quảng cáo, chị đã trao đổi qua Facebook với người tự giới thiệu là chủ cửa hàng. Sau đó, chị L chuyển 1.000.000 đồng đặt mua hàng về bán thử. “Họ hứa giao hàng sau khoảng 2-4 giờ nhận tiền, nhưng nhiều ngày sau tôi vẫn không thấy hàng đến. Tìm lại địa chỉ đã liên hệ trên mạng, tất cả đều không còn tồn tại, mới phát hiện mình đa bị lừa”, chị L nói.
Một diểm chung của các nạn nhân là vì số tiền bị mất không lớn, nên các trường hợp nêu trên và nhiều người bị lừa đã không tố cáo với các cơ quan chức năng. Đây chính là kẽ hở, khiến kẻ xấu có cơ hội tiếp tục lừa đảo, còn các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để xử lý hành vi vi phạm.
Để tránh những tình huống tương tự, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo, NLĐ nên tìm việc làm thông qua các kênh thông tin chính thống, các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín và cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, trao đổi. Đặc biệt, NLĐ không nên tin vào những lời quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” để tránh bị lừa; tuyệt đối không giao tiền, giấy tờ tùy thân cho những người không quen biết để xin việc…
Công an TP Hà Nội cũng liên tục khuyến cáo NLĐ không liên hệ qua các tài khoản trên mạng xã hội, khi chưa bảo đảm tính an toàn. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo, NLĐ nên lưu lại thông tin điện thoại, tài khoản ngân hàng... của đối tượng để thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan điều tra. Trường hợp đã chuyển tiền mới phát hiện bị lừa, NLĐ cần báo ngay cho ngân hàng để phong tỏa tài khoản.