16h00
Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập năm 2006 với tổng diện tích gần 22.800 ha nằm trên địa bàn 9 xã phía Nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim.
Một số dự án điển hình tại đây là Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa - Đài Loan với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ USD, dự án phát triển khu du lịch dịch vụ Hồ Tàu Voi 70 triệu USD, nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I 1,2 tỷ USD, Nhà máy luyện thép của Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh 1 tỷ USD.
Cảng nước sâu Sơn Dương được đánh giá là một trong những cảng biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 13 bến cảng (giai đoạn 1), trong đó có ba bến cho tàu có trọng tải 300.000 tấn, 2 bến cho tàu trọng tải 200.000 tấn và 8 bến còn lại cho các cỡ tàu từ 10.000 đến 70.000 tấn. Cảng Sơn Dương sau khi hoàn thành sẽ trở thành cảng chuyên dụng lớn nhất Việt Nam và khu vực. Để đưa cảng biển này vào sử dụng, các nhà thầu đã phải thi công tổng chiều dài tuyến đê chắn sóng hơn 5,2 km, trong đó đê đá đổ 208 m, cống hộp 28,5 m, giếng chìm 160 chiếc, còn lại là đê giếng chìm hơn 5000 m. Hiện chủ đầu tư đang đẩy mạnh chế tạo, kéo thả giếng chìm để tuyến đê chắn sóng mở rộng đầy phức tạp, tốn kém này đạt mục tiêu hoàn thành vào tháng 5/2016.
15h20
Công tác thu dọn gần như hoàn tất. Các đơn vị chức năng đang chuẩn bị phun hóa chất tiêu độc khử trùng để làm sạch hiện trường trong khi vẫn có rất đông người, chủ yếu thuộc lực lượng cứu hộ vẫn chưa rút khỏi khu vực này.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, số người thiệt mạng chính xác là 13 người. Đêm qua, lãnh đạo tỉnh nhận được báo cáo từ hiện trường có 12 tử vong và 2 người kẹt dưới đống đổ nát nên đưa ra con số 14 người thiệt mạng. Tuy nhiên, sau hơn nửa ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng chỉ tìm thấy thêm một thi thể nâng tổng số người thiệt mạng lên 13.
14h30
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư kiêm Chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã xuống kiểm tra và chỉ đạo công tác giải phóng hiện trường. Ông Dũng gửi lời chia buồn tới gia đình những người bị nạn và khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm tập thể và cá nhân có liên quan.
Lãnh đạo của công ty Samsung C&T, nhà thầu chính cảng nước sâu Sơn Dương cho biết sẽ hợp tác đầy đủ với chính quyền để điều tra về nguyên nhân tai nạn. Trước đó, tối 25/3, Samsung C&T đã hỗ trợ 30 triệu đồng để đưa thi thể các nạn nhân về quê an táng.
"Dù công nhân thi công tại công trường không phải lao động của Samsung C&T mà của nhà thầu phụ, song là chủ đầu tư chính, chúng tôi xin hứa sẽ có các hình thức và biện pháp hỗ trợ nạn nhân hợp tình và hợp lý nhất", đại diện Samsung cho hay.
Hiện số người bị nạn được xác định là công nhân của Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng Lao động quốc tế (NIBELC), trụ sở chính ở Gia Trấn, Gia Viễn, Ninh Bình.
14h10
13 thi thể đã được tìm thấy và 1 người nữa có thể vẫn kẹt trong đống đổ nát - ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho hay. 28 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện huyện và tỉnh..
Bà Trần Thị Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các nạn nhân dần ổn định sức khỏe: "Trong hôm nay có thể 1-2 nạn nhân sẽ được xuất được viện".
Công trường Formosa từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động. Ngày 19/1/2015, trong quá trình xây dựng hệ thống băng tải chuyền tại Công ty Posco 2 thuộc khu liên hợp gang thép Formosa, cầu thang lên xuống băng chuyền bị đổ sập đè trúng hai công nhân khiến một người chết, một người bị thương nặng. Tháng 7/2014, trong lúc thi công phần mái che của hạng mục bồn nước Nhà máy xử lý nước sạch thuộc dự án Formosa, giàn giáo bị sập làm 5 công nhân rơi từ độ cao 14 m xuống đất, 2 người chết, 3 người bị thương nặng.
13h25
Theo ông Đoàn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hà Tĩnh, chỉ huy lực lượng cứu hộ tại hiện trường, với tiến độ như hiện tại, khoảng 2 tiếng nữa, toàn bộ sắt thép sẽ được giải phóng hoàn toàn.
Trước đó, lực lượng cứu nạn phát hiện một chiếc áo màu đỏ và vết máu nên tập trung vào khu này để tìm kiếm nhưng không thấy thi thể nạn nhân nào.
13h20
Đại diện truyền thông Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho VnExpress biết trong hôm nay, các lãnh đạo cao cấp của Công ty Samsung C&T - nhà thầu chính dự án Cảng nước sâu Sơn Dương sẽ sang thị sát công trường bị nạn, thăm hỏi nạn nhân và làm việc với tỉnh Hà Tĩnh.
Theo vị này, Samsung C&T sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngoài khoản bồi thường theo chế độ bảo hiểm, công ty sẽ có các khoản hỗ trợ riêng để tạo điều kiện tốt nhất cho các lao động bị nạn hồi phục.
Ông Chu Xuân Phàm - Trưởng đại diện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Hà Nội cho hay, công trình đê chắn sóng Cảng Sơn Dương đã được thi công gần hai năm nay. "Từ trước đến giờ chưa xảy ra việc gì, công nghệ thi công khá tiên tiến", vị này nói.
Ông Phàm nói thêm, hiện tập đoàn không quan tâm đến tiến độ, thiệt hại mà quan trọng nhất là cứu số người bị nạn ra khỏi giàn giáo và điều tra nguyên nhân vụ việc.
"Theo quy định chung của Formosa, các nhà thầu đều phải mua bảo hiểm cho nhân viên. Những người không có bảo hiểm thì không được vào khu vực thi công. Samsung là doanh nghiệp danh tiếng nên tôi cho rằng họ sẽ cam kết tốt", vị này nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người thiệt mạng, đồng thời gửi Công điện chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh và các Bộ tổ chức cứu nạn, tìm kiếm những người bị vùi lấp, điều tra nguyên nhân, thăm hỏi động viên và hỗ trợ các nạn nhân bị thương cùng gia đình có người thiệt mạng an táng chu đáo
11h35
Trao đổi với VnExpress, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục PCCC - Bộ Công an cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một nạn nhân và đưa ra ngoài. Công việc tìm kiếm vẫn đang diễn ra khẩn trương vì nhiều khả năng còn một nạn nhân nữa.
Trước đó, để thúc đẩy việc tìm kiếm nạn nhân và giải phóng hiện trường, Hà Tĩnh đã cho tăng cường hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 841, đóng tại huyện Cẩm Xuyên vào hỗ trợ các lực lượng cứu hộ.
Trạm biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho khu Kinh tế Vũng Áng cũng đã đưa chó nghiệp vụ vào làm việc.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh Xã hội Doãn Mậu Diệp cùng Cục trưởng An toàn lao động, thanh tra Bộ đã vào Kỳ Anh, hỗ trợ mỗi gia đình có người tử nạn 3 triệu đồng, người bị thương 2 triệu đồng.
10h30
Sau nhiều nỗ lực, thi thể nam công nhân Trần Công Minh (20 tuổi) được đưa ra khỏi đống sắt thép ngổn ngang.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tuyển, Trưởng nhóm bác sĩ Bệnh viện Việt Đức tăng cường đến Hà Tĩnh cho biết, trong số nạn nhân đang cấp cứu có 4 người rất nặng được theo dõi hồi sức sát sao. Các bác sĩ mổ cấp cứu thêm 3 ca chấn thương ngực, gãy xương…
Theo kế hoạch, 11h30 trưa nay, Đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế và một đội cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai gồm 2 bác sĩ và một điều dưỡng Hồi sức cấp cứu sẽ lên đường đến Hà Tĩnh.
10h00
Thi thể một công nhân được phát hiện kẹt trong đống đổ nát và lực lượng cứu hộ đang tìm cách đưa ra ngoài.
Ông Đoàn Quốc Khánh, Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến 2h45 sáng 26/3, số nạn nhân được đưa ra là 49. Lực lượng cứu hộ khoảng 1.000 người đang nỗ lực cao nhất để tìm kiếm các công nhân trong đống đổ nát.
Trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế dẫn báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh cho thấy 17 người đã tử vong, 24 người bị thương. Cục có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị huy động thầy thuốc giỏi, đảm bảo đủ thuốc, phương tiện cấp cứu người bị nạn.
Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã rút ngắn chương trình công tác tại Quảng Ngãi để vào Hà Tĩnh. Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Công điện khẩn thăm hỏi, chia buồn đến các gia đình và cá nhân bị nạn, yêu cầu Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt.
9h25
Công tác cứu nạn tiếp diễn hơn 12 tiếng qua với hy vọng tìm thấy 3 người dưới đống đổ nát.
Bên trong khu giàn giáo bị đổ, 4 chiếc máy xúc vẫn đang hối hả nâng các thanh sắt ra khỏi đống đố nát. Thỉnh thoảng tiếng động cơ máy xúc lại gào lên, khói đen phụt ra mù mịt do gầu xúc mắc phải những tấm sắt nặng và được hàn quá chắc. Các nhóm thợ hàn có mặt ở nhiều nơi, cắt các tấm sắt để lực lượng cứu hộ chuyển ra ngoài, giải tỏa hiện trường. Lực lượng cứu hộ đã được rút bớt so với đêm qua, hiện còn hơn 200 người.
Bên ngoài khu vực giàn giáo, nhóm nhân viên y tế và một xe cứu thương túc trực sẵn sàng.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, không có nạn nhân nào là người nước ngoài trong số 19 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Hà Tĩnh và 9 người ở bệnh viện Kỳ Anh.
3h40
14 nạn nhân được xác định đã tử vong tại hiện trường.
"Khối lượng thép sắt rất lớn, bán kính phải chừng vài trăm mét vuông", Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh Bùi Đình Quang nói trong lúc tiếng còi, cưa, cẩu từ hiện trường ngổn ngang sắt thép, bê tông vang lên chát chúa.
3h15
Cơn mưa nặng hạt ập xuống suốt 30 phút qua khiến các lực lượng cứu hộ phải vào trú ẩn. Việc cắt rời các kết cấu thép vẫn được thực hiện một cách cẩn trọng để hạn chế ảnh hưởng đến các nạn nhân mắc kẹt.
Thượng tá Võ Bá Nguyên, phụ trách công tác biên phòng tại Formosa cho biết, có thể còn 3 người mắc kẹt.
1h28
Sau 5 tiếng tìm kiếm, một công nhân được kéo ra từ đống đổ nát. Do kết cấu thép có những khoảng không, nên nạn nhân may mắn chỉ bị thương nhẹ và đã được đưa đến bệnh viện.
Chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường, ông Đệ nhận định, có thể vẫn còn một vài người bên trong. Hiện khối sắt thép đã tháo dỡ được khoảng 1/3.
Lực lượng tham gia cứu hộ tăng lên hàng nghìn người gồm quân đội, công an, biên phòng, công nhân... với các phương tiện chủ yếu là máy cẩu, máy hàn, máy cắt, xe tải...
"Giàn giáo nằm giữa công trường nên việc cứu hộ không khó khăn nhưng đòi hỏi phải có thời gian. Tiết trời có mưa nhỏ, khá rét và ướt át có thể là trở ngại", ông Đệ cho hay.
0h25
Công nhân Trần Phong Tuấn (43 tuổi, quê Thanh Hoá) cho hay, ông đang làm việc ở độ cao khoảng 25 m thì giàn giáo sập, ông rơi xuống và không hay biết gì cho đến khi được người của công ty cứu ra.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cử ngay một đoàn bác sĩ cùng các chuyên gia đầu ngành về chấn thương, hồi sức cấp cứu vào Hà Tĩnh hỗ trợ, đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế tập trung mọi nguồn lực để hạn chế tối đa số người tử vong.
0h18
Danh sách nạn nhân tử vong tăng lên 14 người, 20 người bị thương tiếp tục được cứu chữa.
Chân tay còn lấm lem bùn đất và đang nằm chữa trị tại bệnh viện đa khoa Kỳ Anh, ông Hoàng Hữu Thái kể lại: "Trước khi bị sập, giàn giáo đã rung lắc một hai lần. Công nhân hoảng hốt nhưng có người trấn an nên tiếp tục làm việc. Khoảng 20 phút sau lần rung lắc đầu tiên thì giàn giáo đổ ập xuống. Tôi nghĩ mình sẽ chết. Không biết ai đã cứu tôi ra khỏi đống đổ nát đó", ông Thái nói.
0h12
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận 20 công nhân được chuyển từ Bệnh viện huyện lên. Hầu hết họ là nam giới và bị thương rất nặng, trong đó 2 người nguy kịch. 500 y, bác sĩ đang làm việc hết công suất.
Lực lượng công an, cảnh sát cơ động được điều đến bệnh viện để đảm bảo an ninh hỗ trợ công tác cấp cứu.
Ngày 25/3
23h51
"Trên công trường có hàng vạn công nhân nên số lượng công nhân lúc gặp nạn chưa thể xác định chính xác. Lực lượng chức năng đang tích cực tháo dỡ sắt thép để tìm người bị kẹt", ông Đệ cho hay.
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh đã điều 7 xe và hàng chục nhân viên tham gia cứu hộ.
23h45
Tại hiện trường, hàng trăm cảnh sát, quân đội và lực lượng tại chỗ được chính quyền địa phương huy động để đào bới, tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt. Xe cứu thương liên tục ra vào để chuyển người bị thương đi cấp cứu.
Bên ngoài bệnh viện, người nhà và đồng nghiệp các nạn nhân tập trung ngày một đông. Xe cứu thương đỗ kín sân bệnh viện. Không khí rất hối hả trong khi trời tiếp tục đổ mưa.
23h15
Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh huy động toàn bộ nhân viên ngay trong đêm để cấp cứu các nạn nhân. "Có 40 người nhập viện với thương tích nặng. 20 người sau khi sơ cứu đã chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ít nhất 10 người đã tử vong", bà Phạm Thị Xuân Liễu - giám đốc Bệnh viện thông báo.
22h50
Bệnh viện đa khoa Kỳ Anh thông báo 6 người đã chết, hàng chục người bị thương đang được cứu chữa. "Còn một số người đang bị vùi trong đống đổ nát", ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh thông báo.
Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh Bùi Đình Quang cùng nhiều lãnh đạo tỉnh lập tức đến hiện trường. "Lúc này ưu tiên số một là tập trung cứu người", ông Quang cho hay.
Ghi âm trao đổi của ông Phạm Trần Đệ:
20h25
Sau một tiếng động lớn, giàn giáo trong khu vực đổ cấu kiện bê tông làm đê chắn sóng, khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bất ngờ đổ sụp xuống.
Gần 50 công nhân đang làm việc theo ca, trên độ cao khoảng 30 m, đã rơi xuống và bị vùi lấp dưới hàng trăm tấn sắt thép. Khoảng 40 người được đưa đi cấp cứu, trong khi một số người vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát khổng lồ. Công việc cứu hộ diễn ra rất khẩn trương với hy vọng cứu được tính mạng những người mắc kẹt.
Từ công trường, ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho VnExpress biết, tai nạn xảy ra khi công nhân của nhà thầu Samsung đang lắp giàn giáo thi công đúc giếng chìm để làm đê chắn sóng cảng Sơn Dương. Toàn bộ công nhân là người Việt Nam.
Trên giàn giáo có sẵn, công nhân đang đẩy những cấu kiện đã đúc được ra ngoài, đẩy thép vào khuôn để đúc tiếp thì bê tông sập xuống. Khối bê tông rất lớn, ước rộng khoảng 15 m, dài 20 m, cao 12-15 m.
"Việc đúc bê tông đưa ra biển làm đê chắn sóng tại cảng nước sâu Sơn Dương đã được thực hiện khoảng năm rưỡi, dự kiến kéo dài hơn một năm nữa mới hoàn thành vì công trình đê dài nhiều km", ông Đệ cho hay.
Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập năm 2006 với tổng diện tích gần 22.800 ha nằm trên địa bàn 9 xã phía Nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim.
Một số dự án điển hình tại đây là Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa - Đài Loan với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ USD, dự án phát triển khu du lịch dịch vụ Hồ Tàu Voi 70 triệu USD, nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I 1,2 tỷ USD, Nhà máy luyện thép của Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh 1 tỷ USD.
Cảng nước sâu Sơn Dương được đánh giá là một trong những cảng biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 13 bến cảng (giai đoạn 1), trong đó có ba bến cho tàu có trọng tải 300.000 tấn, 2 bến cho tàu trọng tải 200.000 tấn và 8 bến còn lại cho các cỡ tàu từ 10.000 đến 70.000 tấn. Cảng Sơn Dương sau khi hoàn thành sẽ trở thành cảng chuyên dụng lớn nhất Việt Nam và khu vực. Để đưa cảng biển này vào sử dụng, các nhà thầu đã phải thi công tổng chiều dài tuyến đê chắn sóng hơn 5,2 km, trong đó đê đá đổ 208 m, cống hộp 28,5 m, giếng chìm 160 chiếc, còn lại là đê giếng chìm hơn 5000 m. Hiện chủ đầu tư đang đẩy mạnh chế tạo, kéo thả giếng chìm để tuyến đê chắn sóng mở rộng đầy phức tạp, tốn kém này đạt mục tiêu hoàn thành vào tháng 5/2016.