Tìm mua thuốc chữa HIV để ngừa COVID-19: Rất nguy hiểm

23-05-2020 19:36 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Số người nhiễm COVID-19 tại Nga đang tăng chóng mặt. Ðại dịch khiến nhiều người hoảng loạn, thậm chí tự tìm mua thuốc kaletra (trị HIV) với giá siêu đắt đỏ tự chữa trị COVID-19.

Kaletra đã được chứng minh là loại thuốc chống virus và đã từng sử dụng hiệu quả trước đây với đại dịch SARS. Đó là lý do khiến chợ đen thuốc kaletra tại Nga sôi động bất thường. Nhiều người đã tự ý mua thuốc này để trị COVID-19.

Kaletra là một trong số những loại thuốc được kê đơn điều trị HIV tại Nga. Thuốc này được nhà nước cung cấp miễn phí cho những người nhiễm HIV. Thế nhưng, do sự gián đoạn nguồn cung nên xuất hiện tình trạng đầu cơ ở một số cơ sở y tế hoặc hiệu thuốc tư nhân.

Một người bán thuốc HIV trên mạng cho biết: “3 tháng trước đây, người dân không thực sự quan tâm đến kaletra, trong khi giá cũng chỉ 900 rúp (tương đương 12 USD)/hộp. Hiện nay, do gián đoạn nguồn cung, chỉ trong 1 ngày, chúng tôi có thể bán được 700 hộp với giá 3.800 rúp/hộp (giá tăng gấp 4 lần). Những người mua thuốc kaletra chủ yếu để bán lại với giá rất cao”. Những người mua lại có thể mua với giá 7.000-8.000 rúp/hộp. Việc mua bán này đang khiến một số người dương tính với HIV tỏ ra lo lắng.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19

Đầu cơ dẫn đến khan hiếm thuốc trị HIV

Bộ Y tế Nga không trả lời về tình trạng khan hiếm dược phẩm này cũng như tình trạng bán lại thuốc này trên mạng. Kaletra được Công ty R-Pharm sản xuất tại Nga theo bằng chứng nhận của một công ty dược phẩm Mỹ. Loại thuốc này chỉ được cung cấp số lượng nhỏ cho một số hiệu thuốc và các phòng khám HIV/AIDS. Năm ngoái, chỉ có 34 hộp được bán cho một số hiệu thuốc so với con số 1.500 hộp được bán vào tháng 3/2020. Giám đốc điều hành của Công ty Dược phẩm R-Pharm cho biết, ông đã nhìn thấy thuốc kaletra đã được bán bất hợp pháp tại các hiệu thuốc, người mua không hề có đơn của bác sĩ. Cảnh sát đã báo cho công ty biết, ít nhất có 2 trường hợp bị bắt giữ vì sở hữu kaletra bất hợp pháp. Ông cho biết, Công ty R-Pharm của ông cũng đã hỗ trợ cảnh sát truy tìm nguồn gốc của các loại thuốc bán bất hợp pháp bởi vì việc mua bán bất kỳ loại thuốc nào ngoài chợ đen cũng có nghĩa là những người thực sự cần nó không có để dùng.

Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc kaletra là sự khó chịu ở dạ dày và buồn nôn. Ngoài ra, nó có thể dẫn tới một số vấn đề ở gan và nhịp tim. Điều này có nghĩa rằng, nếu tự ý mua thuốc không có kê đơn của bác sĩ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng nó sẽ lâm vào tình trạng khan hiếm như hiện nay trong khi R-Pharm đã tăng tốc sản xuất để có thể đáp ứng nhu cầu của các bác sĩ kê đơn thuốc kaletra cho điều trị virus SARS-CoV-2 cũng như cho các bệnh nhân có HIV.

Hiệu quả chưa chắc chắn

Đến nay, đã có hơn 20 cuộc thử nghiệm khắp thế giới với thuốc kaletra như là một loại thuốc điều trị COVID-19 hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Từ cuối tháng 1, Bộ Y tế Nga đã khuyến nghị đây có thể là thuốc điều trị COVID-19 sau khi có những báo cáo từ Trung Quốc cho rằng loại thuốc này có tác dụng. Tuy nhiên, nước này sau đó nói thêm rằng, tính hiệu quả của kaletra vẫn chưa chắc chắn. Thế nhưng những khuyến nghị này không ngăn cản được các nhà đầu cơ tiên đoán về sự khan hiếm loại thuốc này.

Một phụ nữ Trung Quốc nhiễm SARS-CoV-2 mới đã có dấu hiệu hồi phục rõ rệt sau khi được uống thuốc kháng virus dùng để điều trị bệnh cúm và HIV, Bộ Y tế Thái Lan vừa cho biết. “Bệnh nhân 71 tuổi đã âm tính với SARS-CoV-2 sau 48 giờ đồng hồ khi được các bác sĩ Thái Lan cho uống hỗn hợp thuốc này”, BS. Kriengsak Attipornwanich cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ.  “Kết quả tích cực trong phòng thí nghiệm về SARS-CoV-2 đã âm tính trong 48 giờ. Từ tình trạng kiệt sức, sau 12 tiếng, bệnh nhân giờ đã ngồi dậy được”, BS. Kriengsak nói.  Các bác sĩ Thái Lan đã kết hợp thuốc trị cúm oseltamivir với lopinavir và ritonavir - những loại thuốc kháng virus dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. BS. Kriengsak cho biết, Bộ này cũng đang chờ kết quả nghiên cứu để chứng minh kết quả điều trị.


Nguyễn Hưng
Ý kiến của bạn