Liên quan đến vụ việc tàu Royal 16 của Việt Nam chở hàng cùng 19 thuyền viên bị cướp tấn công, bắt cóc 6 người ở vùng biển Philippines vào sáng ngày 11/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines liên lạc khẩn cấp với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và tìm cách giải quyết vụ việc sớm nhất.
Tìm các biện pháp giải cứu các thuyền viên tàu Royal 16 bị bắt cóc
Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cục đã tiến hành xác minh thông tin và cho biết tàu chở hàng tổng hợp Royal 16 (số IMO 9600011 mang quốc tịch Việt Nam; chủ tàu là Công ty cổ phần Vận tải biển Quý Sang, địa chỉ: số 106 khu 3 thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình; đơn vị khai thác: Công ty Cổ phần hàng hải Hoàng Gia, địa chỉ: 45 Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng, Hải Phòng) đang vận chuyển xi măng trên đường từ Quảng Ninh đi Philippines. Tàu đã phát báo động an ninh (SSAS) vào hồi 3 giờ 31 ngày 11/11 tại vị trí 06040.45’ vĩ độ Bắc; 122029.05’ kinh độ Đông, cách đảo Basilan, Philippines khoảng 10 hải lý về hướng Tây Tây Nam. Tại thời điểm bị cướp, trên tàu có 19 thuyền viên.
Tàu Royal 16 và vị trí bị cướp biển tấn công (cách đảo Basilan, Philippines khoảng 10 hải lý về hướng Tây Tây Nam).
Qua thông tin ban đầu thì tàu đã bị cướp biển tấn công và bắt giữ 6 thuyền viên làm con tin gồm (thuyền trưởng, đại phó, thuyền phó 2, thuyền phó 3, thủy thủ trưởng và 1 thủy thủ). Tàu đã được thả với 13 thuyền viên còn lại (có 1 người bị thương do bị bắn vào tay) tiếp tục hành trình về cảng gần nhất Zamboanga (Philippines); hiện tại, tàu đã neo đậu an toàn, lực lượng Cảnh sát Biển của Philippines đã lên tàu để xử lý vụ việc. Cục Hàng hải Việt Nam đã thông báo cho Tổ chức Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp vũ trang tấn công tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP) và Trung tâm Thông tin cướp biển của Cục Hàng hải Quốc tế (IMB-PRC), đồng thời thông báo cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để đề nghị hỗ trợ.
Thông tin về vụ việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines liên lạc khẩn cấp với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và tìm cách giải quyết vụ việc sớm nhất. Ngay trong chiều 11/11/2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Philippines để tìm hiểu thông tin và tìm các biện pháp giải cứu 6 thuyền viên. Đại sứ quán cho biết, thuyền viên bị thương hiện trong tình trạng tỉnh táo và đang được điều trị tại Bệnh viện Brent của Philippines. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã thông báo vụ việc đến các cơ quan chức năng trong nước đề nghị khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Philippines điều tra vụ việc.
Các tàu cần nâng cao cảnh giác
Sau vụ cướp tấn công tàu Royal 16, bắt cóc 6 thuyền viên, ngày 12/11, Cục Hàng hải Việt Nam đã tiếp tục cảnh báo nguy hiểm trên một số vùng ở biển Đông. Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, cho biết, tháng 5 vừa qua, Cục Hàng hải đã cảnh báo các tàu Việt Nam qua lại khu vực Đông Sabah và Nam Philippines về tình hình cướp biển. Sau vụ việc tàu Royal 16 bị tấn công ngày 11/11, Cục tiếp tục khuyến cáo các tàu nâng cao cảnh giác khi vào vùng biển này.
Các cảng vụ được đề nghị tuyên truyền, phổ biến với chủ tàu, công ty quản lý khai thác về tình hình cướp, đồng thời triển khai kế hoạch an ninh như tăng cường trực ca khi neo đậu tàu, chiếu sáng xung quanh, bấm còi báo động khi phát hiện tàu lạ tới gần. Bên cạnh đó, các tàu phải duy trì trực ca liên tục để nhận các khuyến cáo, chuyển hướng hoặc tránh đi vào khu vực nguy hiểm, duy trì liên lạc với đơn vị chức năng...
Việc tàu Royal 16 của Việt Nam bị tấn công cũng được Tổ chức ReCAAP thông báo đến các tàu đi vào biển Đông ngày 11/11. Theo đó, tổ chức này khuyến cáo các tàu vào vùng biển Sulu, Celebes cần đi chậm, cảnh giác khi thấy tàu thuyền đáng ngờ xung quanh, báo tin cho lực lượng bảo vệ bờ biển Đông Sabah. Bên cạnh đó, theo báo cáo của ReCAAP, tháng 10 vừa qua đã xảy ra 5 vụ trong tổng số 64 vụ cướp biển tấn công tàu ở châu Á năm 2016 (giảm 65% số vụ so với năm 2015). Tuy nhiên, số vụ nghiêm trọng vẫn tương đương các năm trước với 11 vụ bắt cóc thủy thủ đoàn và 3 vụ cướp tàu để lấy dầu. Truyền thông Philippines nghi ngờ nhóm cướp thuộc Tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf. Tổ chức này từng nhiều lần bắt cóc người đòi tiền chuộc hàng triệu USD.