8h20 ngày 16/4 (tức 10/3 âm lịch), sau lễ dâng hương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hàng trăm nghìn người dân được phép lên núi Nghĩa Lĩnh (TP. Việt Trì, Phú Thọ) dâng hương bái tổ trong ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Lối lên hẹp, người quá đông dẫn đến tình trạng xô đẩy, một số phụ nữ ngất xỉu. Đáng chú ý là mặc dù Ban tổ chức đã lường trước tình hình và cử hàng nghìn cán bộ công an, sinh viên tình nguyện để hỗ trợ nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh chen lấn xô đẩy do số lượng người quá tải. Hàng chục vạn người chen lấn, xô đẩy trong thời tiết oi bức ngột ngạt nên nhiều trẻ em đi cùng gia đình, nhiều phụ nữ và người già cũng không chịu nổi. Những người kiệt sức đã nhanh chóng được lực lượng của Ban tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ vào nơi an toàn để ổn định lại sức khỏe. Lực lượng công an nhanh chóng di tản hàng trăm cháu bé khỏi biển người đang chen lấn lên khu vực thoáng mát, chờ gia đình đến đón.
Lực lượng chức năng đưa các cháu bé khỏi biển người chen lấn.
Theo Ban tổ chức, tính từ ngày 1/3 âm lịch (7/4) đến hết ngày 10/3 âm lịch đã có khoảng 7 triệu lượt du khách về với Đất tổ Hùng Vương. Riêng ngày chính giỗ Tổ (mùng 10/3) có khoảng gần 2 triệu lượt khách về khu di tích đền Hùng.
Rất nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc và chán chường về cảnh lễ hội sau khi xem clip đăng tải trên các báo. Bạn đọc Hải Anh bình luận: “Nhớ về cội nguồn là tốt, song có lẽ chỉ 30% là nhớ thật lòng, 30% là hiếu kỳ theo phong trào, 40% là ích kỷ cá nhân đến để cầu xin danh lợi. Nhìn những cảnh hùng hục chen lấn xô đẩy mà buồn thay. Chỉ lo, một dấu hiệu châm ngòi là đám đông sẵn sàng dẫm lên nhau mà chạy, lúc đó mạng người bị dẫm đạp chắc đếm bằng chục”.
Đồng quan điểm, bạn Nghi Xuân cho rằng: “Lễ hội thiêng liêng nhưng nhiều người lại thiếu ý thức. Các anh công an, cảnh sát đã phải làm việc vô cùng vất vả. Không biết đến khi nào chúng ta mới có được một lễ hội đền Hùng văn minh lịch sự để tự hào nói với bạn bè quốc tế. Bao giờ mới có được văn hóa như người Nhật Bản về ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Mỗi người cần có ý thức tôn nghiêm khi về với Đất tổ, dù trước dù sau không quan trọng, mà quan trọng là thành tâm”.
Lại có độc giả hiến kế cho Ban tổ chức những lần sau: “Nên lập chốt ở điểm phù hợp, chốt là nhiều cổng vào theo kiểu các nhà máy lớn, có hàng rào dọc từng người một vào, mỗi lượt người vào cách nhau 30 giây. Ví dụ có 50 cổng tức 30 giây có 50 người vào. Và cổng ra cũng tương tự như vậy. Nếu làm theo cách đó tôi tin ai cũng phải xếp hàng chờ đến lượt của mình. Tất nhiên phải có phương án trong trường hợp khẩn cấp, khi đó các cổng phải được nhanh chóng nhập thành một cổng lớn để nhiều người có thể thoát ra”.