Tìm lời giải Bình Dương nơi 'đất lành chim đậu'

15-12-2023 12:55 | Xã hội
google news

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ với nhiều kết quả nổi bật. Trở thành một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế với mức tăng GRDP ấn tượng qua các năm. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 40,3 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP.Hồ Chí Minh.

Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Mô hình phát triển của Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước".

Tham dự có ông Nguyễn Minh Triết - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Tìm lời giải Bình Dương nơi 'đất lành chim đậu'- Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng gần 1.000 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện.

Bình Dương "nơi đất lành chim đậu"

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ với nhiều kết quả nổi bật, trở thành một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế với mức tăng GRDP ấn tượng qua các năm, là một trong 5 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước. Năm 1997, GRDP của Bình Dương chiếm tỷ trọng 1,25% GDP cả nước, đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 4,6% GDP cả nước và năm 2020 con số này là 4,9%. Đến năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 117 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Tìm lời giải Bình Dương nơi 'đất lành chim đậu'- Ảnh 2.

Nhà máy ILD Coffee Việt Nam tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade Bình Dương nhìn từ trên cao

Việc tập trung phát triển công nghiệp chính là điểm nổi bật trong mô hình phát triển của Bình Dương. Đến nay, tỉnh có 29 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 40,3 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP.Hồ Chí Minh.

Kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, thuộc TOP những địa phương có kết quả tốt nhất về cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng đường bộ. Các tuyến đường huyện và đường đô thị đã nhựa hóa đạt từ 80-94%. Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh, như Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến cuối năm 2022 là 84,32%, chỉ đứng sau Đà Nẵng (87,45%), cao hơn cả TP.Hồ Chí Minh (77,77%), Hà Nội (49,05%).

Sự phát triển mạnh mẽ, sinh động của Bình Dương trong hơn một phần tư thế kỷ qua không phải là quá trình phát triển tự phát mà đã được định hướng, điều chỉnh với các mục tiêu, phương hướng và bước đi phù hợp qua từng kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, ngay trong Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, Bình Dương đã nhận thức đầy đủ các thế mạnh và hạn chế cơ bản của địa phương trong lợi thế so sánh. Từ đó tỉnh đã định dạng mô hình tăng trưởng kinh tế của Bình Dương căn bản dựa trên tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ.

Đáng chú ý, chủ trương thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hình thành và phát triển các khu công nghiệp là chủ trương chiến lược có tính xuyên suốt và cũng là đặc điểm cơ bản của mô hình phát triển kinh tế Bình Dương được thể hiện trong tất cả các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Nội dung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã có sự chuyển biến sâu sắc từ thu hút đại trà đến thu hút có chọn lọc, có khuyến khích ưu tiên đầu tư theo chiều văn minh, tiên tiến, gắn với khoa học kỹ thuật hiện đại. Công nghiệp từ đó được xác định phải gắn với phát triển đô thị và các ngành dịch vụ hiện đại rồi chuyển sang bước đột phá căn bản, toàn diện là tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế...

Trong mô hình phát triển về xã hội, văn hóa, con người của Bình Dương, tỉnh đề ra được các chủ trương, quan điểm phù hợp với đặc trưng quan trọng là phục vụ con người, tất cả vì sự phát triển toàn diện của con người. Các tầng lớp dân cư bao gồm cả dân Bình Dương cố cựu và các nhóm dân cư mới đến định cư từ nhiều địa phương trong cả nước đều được Đảng bộ, chính quyền địa phương xem là nhân dân Bình Dương. Trong tất cả văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và các cấp đều thể hiện rõ trách nhiệm "bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...", không có sự phân biệt cũ - mới, trước-sau, dân tại chỗ hay nhập cư.

Bình Dương hiện là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội, trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển 46.377 căn và giai đoạn 2026-2030 là 40.500 căn nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt ổn định chỗ ở để người lao động yên tâm với công việc, gắn bó lâu dài với địa phương.

Bình Dương tuy không phải là một địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cũng không phải là địa phương có những cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, nhưng Bình Dương lại được coi là nơi "đất lành chim đậu", là điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược; là mảnh đất có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng, có tinh thần đổi mới sáng tạo với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu và cả những người lao động cần cù, chịu khó với mong muốn nâng cao thu nhập, thoát khỏi đói nghèo.

Bình Dương hiện là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Từ năm 1997 đến nay, hơn 2 triệu người đã chọn đến Bình Dương sinh sống và làm việc; và mảnh đất ấy đã không phụ lòng người, giúp họ hiện thực hoá "giấc mơ" và khát vọng đổi đời.

Hôm nay, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp, thu nhập trung bình cao, đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và có tiền đề vững chắc để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói: Nhìn lại hơn một phần tư thế kỷ, Bình Dương thật sự đã trở thành một hình mẫu về sự bứt phá phát triển, điểm sáng trong cách thức phát huy lợi thế vị trí của một tỉnh sát gần một đô thị lớn; trong huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá.

Nỗ lực vượt bậc để vươn lên đó là động lực và là nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển không chỉ trong mỗi người dân Bình Dương mà cho nhân dân cả nước về tư duy đột phá, mô hình độc đáo và cách làm sáng tạo của tỉnh trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.

"Chúng ta có thể có những cách hiểu, nhìn nhận và đánh giá khác nhau về mô hình phát triển của một địa phương. Tuy nhiên, những kỳ tích phát triển mà Bình Dương đạt được hôm nay chắc chắn không đơn giản là kết quả của việc áp dụng một mô hình lý thuyết mang tính trừu tượng. Về thực chất, đây chính là sự hội tụ, kết tinh những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, cụ thể đã được tổng kết, kiểm nghiệm là đúng từ thực tiễn phát triển của Bình Dương qua hơn một phần tư thế kỷ; và bởi vậy, nó có thể trở thành hình mẫu cho các địa phương khác tham khảo, vận dụng.", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.



Xuân Mai
Ý kiến của bạn