Hà Nội

Tìm lối đi cho phim cổ trang Việt

26-11-2018 06:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dù nhu cầu rất lớn, tuy nhiên, khán giả nước nhà thời gian qua vẫn “đói” phim cổ trang “made in Việt Nam” vì không có nhiều tác phẩm ấn tượng.

Do thiếu cả số lượng lẫn chất lượng nên dòng phim này ở nước ta thất thế ngay tại sân nhà. Dường như  phim cổ trang Việt Nam đang rất bế tắc, chưa đi đúng hướng dù có thị phần tiềm năng.

Nhắc đến phim cổ trang, khán giả Việt thường nhớ đến ngay nhiều tác phẩm Hoa ngữ, tiêu biểu như Bao Thanh thiên, Tể tướng Lưu gù, Thần Điêu đại hiệp, Hoàn Châu cách cách, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thủy hử, Tam quốc... hoặc gần đây là Diên Hi Công Lược, Như Ý Truyện gây sốt với khán giả trẻ. Trong khi đó, phim cổ trang của xứ sở Kim chi được người Việt nhắc nhớ có Nàng Dae Jang Geum, Truyền thuyết Jumon, Thần y Heo Jun,... Phim cổ trang của nước ngoài tạo ấn tượng bởi nhiều yếu tố, dễ dàng nhận thấy nhất khi các tác phẩm có cốt truyện hấp dẫn, diễn viên có ngoại hình ưa nhìn và diễn xuất nhập vai, cảnh quay đẹp...

Trở lại với phim cổ trang Việt, mặc dù dòng phim này được sản xuất ở nước ta từ khoảng 30 năm trước, tính đến nay đã có khoảng 70 tác phẩm (cả phim truyền hình và phim chiếu rạp) được trình chiếu nhưng để tìm ra được tác phẩm thực sự chinh phục người xem chẳng khác gì “mò kim đáy biển”. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đến nay, chúng ta vẫn còn chưa đủ lực để cho ra đời cả loạt phim cổ trang dù dưới dạng dã sử hay lịch sử chính luận vì nhiều lý do như chưa có trường quay chuyên nghiệp, kinh phí làm phim lớn... Đạo diễn - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết, khó khăn ở thể loại phim cổ trang là phim trường, tiêu tốn nhiều chi phí cho trang phục, đạo cụ. Ngoài ra, nhiều nhà làm phim nhận định phim cổ trang Việt còn nhiều sạn, kịch bản dễ dãi và sơ sài nên chưa cuốn hút khán giả.

Không khó để nhận thấy nhiều phim cổ trang nước ta còn thiếu và yếu về nhiều mặt. Bộ phim Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thuỵ sau 1 tuần ra rạp phải ngưng chiếu vì không có khán giả do nội dung nhạt. Đặc biệt, trang phục của diễn viên trong phim dù lấy bối cảnh là thời chúa Trịnh nhưng lại có nhiều họa tiết lai căng phim hoạt hình trên thế giới thời hiện đại. Tấm Cám: chuyện chưa kể của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân dù thu về gần 60 tỷ đồng sau đợt công chiếu, tuy nhiên, không ít khán giả lắc đầu ngao ngán vì trang phục trong phim quá cầu kỳ và mang hơi hướng thời hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, Tấm Cám: chuyện chưa kể có kịch bản quá dễ dãi nên chỉ cần mở phim người ta đã đoán được diễn biến, ôm đồm quá nhiều tình tiết lãng mạn nhưng lại không có điểm nhấn, càng về cuối, mạch phim càng yếu và giải quyết xung đột bằng cuộc chiến hai quái vật đã làm hỏng mạch logic của phim.

Bên cạnh đó, các bộ phim như Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, Lửa Phật... mắc lỗi trang phục của nhân vật vì mang màu sắc nước ngoài hoặc quá hở hang. Chính vì điều này nên bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được đầu tư lớn, thực hiện các cảnh quay hoành tráng ở phim trường Hoành Điếm (Trung Quốc) nhưng với trang phục nhân vật, bối cảnh quá giống nước ngoài nên phim không thể công chiếu vì cơ quan quản lý văn hóa “tuýt còi”. Một trong những yếu tố khiến phim cổ trang Việt mất điểm với công chúng là những cảnh hành động, võ thuật. Ngoại trừ những bộ phim Thiên mệnh anh hùng, Lửa phật... đáp ứng được phần nào các cảnh hành động, võ thuật đẹp mắt thì những phim cổ trang như Lục Vân Tiên, Tây Sơn hào kiệt, Đinh Tiên Hoàng đế... có phần võ thuật, kỹ xảo rất yếu kém và không hấp dẫn.

Đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ, phim cổ trang Việt vốn thiếu và yếu, nay lại phải chịu thêm sức ép lớn từ những bộ phim do các cường quốc phim cổ trang như Trung Quốc, Hàn Quốc sản xuất nên việc so sánh là điều không thể tránh khỏi. Chính yếu tố này càng khiến phim cổ trang Việt khó cạnh tranh hoặc tạo được chỗ đứng với khán giả nhà. Do đó, để có những phim cổ trang đậm bản sắc Việt, nhiều người cho rằng các nhà sản xuất cần đầu tư kỹ lưỡng cho “đứa con tinh thần” từ kịch bản, trang phục, bối cảnh sinh hoạt, không gian văn hóa, phong tục, ngôn ngữ chữ viết... đến kỹ xảo hình ảnh.  Ngoài ra, theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, các nhà sản xuất cần chịu khó mỗi ngày một chút và khán giả Việt cũng nên mở lòng hơn khi đón nhận những tác phẩm cổ trang “made in Việt Nam”. Nghĩa là giới làm nghề và khán giả cùng hướng đến yếu tố chất lượng bằng tinh thần cầu thị và tư duy cởi mở, thay vì trước đây và hiện tại nhà sản xuất làm cứ làm còn khán giả chê cứ chê bởi đem phim Việt so sánh với các tác phẩm của nước ngoài có thế mạnh về phim cổ trang.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn