Hà Nội

Tìm lại vị thế cho tranh biếm họa

13-04-2018 14:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Biếm họa là một nhánh của nền mỹ thuật, ra đời ở Việt Nam gần một thế kỷ qua và được công chúng đón nhận bởi các tác phẩm vừa tạo tiếng cười nhưng luôn chứa đựng thông điệp và có tính giáo dục cao. Tuy nhiên, biếm họa Việt thời gian qua có dấu hiệu chững lại, các tác phẩm ít được giới thiệu trên báo chí, Trường Mỹ thuật chưa có môn biếm họa, các cuộc thi dòng tranh này ít được tổ chức...

Nhiều trăn trở

Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đánh giá, trong đời sống văn hóa hiện nay, tranh biếm họa là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển. Vai trò phản biện xã hội của tranh biếm họa được thể hiện qua nghệ thuật và trở nên hấp dẫn, dễ đi vào lòng người. Bên cạnh đó, biếm họa là hình thức nghệ thuật mang tính báo chí cao. Đó không chỉ là những tác phẩm đặt ra yêu cầu về thẩm mỹ, mà còn đòi hỏi tính xã hội với ý tưởng độc đáo và ngôn ngữ đồ họa rất cô đọng, súc tích, kiệm lời (thậm chí là không cần lời). Giá trị của tranh biếm họa không chỉ thuần túy nằm ở góc độ tạo hình mà còn nằm ở thông điệp được người xem tiếp nhận thông qua đường nét.

Tuy nhiên, dù đã có những thời điểm phát triển rực rỡ nhưng biếm họa Việt trong thời đại mới còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém khiến nhiều người trăn trở. Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đội ngũ vẽ tranh biếm họa hiện nay rất khiêm tốn, cả nước ước chừng có hơn 100 họa sĩ. Hằng năm, Hội Mỹ thuật cũng tổ chức triển lãm tôn vinh các tác giả vẽ biếm họa nhưng chỉ là lồng ghép với các mảng tranh khác trong hoạt động thường niên của Hội. “Vì thế, biếm họa Việt nhiều năm vẫn chỉ bình bình, không có gì nổi trội”, họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết.

Trong khi đó, nhiều họa sĩ làm nghề cho rằng, đội ngũ vẽ biếm họa hiện nay chủ yếu được hình thành tự phát, theo phong trào chứ không được đào tạo và công nhận là những họa sĩ chính danh. Một số trường đại học về mỹ thuật chưa có khoa chuyên về biếm họa và vì thế, cho đến nay, hầu hết các họa sĩ biếm họa có tên tuổi đều tự học hoặc mày mò để nâng cao tay nghề. Chính vì điều này, các họa sĩ biếm họa nước ta chủ yếu phải tự thân vận động và họa sĩ vừa vẽ, vừa nói, vừa lý luận xung quanh các tác phẩm của mình mà thiếu vai trò đánh giá khách quan của lực lượng lý luận phê bình chuyên nghiệp.

Tìm lại vị thế cho tranh biếm họaMột trong những tác phẩm đoạt giải Nhất giải báo chí biếm họa – Cúp Rồng tre lần IV được công chúng đánh giá cao.

Ngoài ra, họa sĩ biếm họa nổi tiếng nước ta Lý Trực Dũng đánh giá, nếu quan sát kỹ nhiều bức

tranh biếm họa ở nước ta thì dễ dàng nhận thấy không ít tác phẩm vẫn sử dụng nhiều chữ để giải thích trong tranh, đôi khi thiếu tính hài hước so với tiêu chí của một bức tranh biếm.

Chờ cú hích từ Cúp Rồng tre

Thực tế cho thấy, tranh biếm họa thi thoảng vẫn xuất hiện trên một số tờ báo hoặc có các triển lãm chuyên đề, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Đâu đó công chúng vẫn thấy những bức tranh biếm họa về giá xăng tăng - giảm đột ngột, về các công trình xây dựng, cải cách giáo dục, câu chuyện thể thao, văn hóa, xã hội, giáo dục… vốn là những vấn đề nhức nhối, dư luận xã hội quan tâm được thể hiện qua tranh biếm với nội dung sâu sắc và nhạy bén.

Tại Việt Nam, từ 2008 đến 2015, 2 năm/lần, Giải báo chí biếm họa Việt Nam - Cúp Rồng tre được tổ chức, quy tụ nhiều tác phẩm và họa sĩ biếm họa mọi miền Tổ quốc tham gia. Cuộc thi này được xem là một cú hích quan trọng đem đến sức sống mới cho biếm họa nước nhà vì luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người xem. Đáng mừng, sau 3 năm gián đoạn, mới đây, Giải báo chí biếm họa - Cúp Rồng tre đã khởi động lại nhằm khích lệ phong trào sáng tác biếm họa chuyên và không chuyên trên cả nước, đồng thời tôn vinh các tác giả biếm họa thời kỳ mới và tạo đà để biếm họa nâng tầm hàn lâm về chuyên môn, đại chúng và đa dạng về ngôn ngữ như vị thế của biếm họa ở các nước phát triển.

Giải báo chí biếm họa - Cúp Rồng tre lần V có chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, các tác phẩm dự thi sẽ sử dụng tiếng cười của biếm họa để “phản tỉnh” mỗi người trong cung cách ứng xử ở mọi nơi mọi lúc. Các bức tranh biếm họa tham dự cuộc thi này sẽ được Ban giám khảo là những chuyên gia chấm chọn gồm nhà báo Hồ Quang Lợi (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam), họa sĩ Vi Kiến Thành, Lý Trực Dũng, Thành Chương, Trần Minh Dũng (bút danh NHOP), Lê Phương (LEO)...

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, giải biếm họa Cúp Rồng tre khởi động lại với sức sống lớn hơn cùng với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng và không chuyên trên khắp cả nước sẽ giúp biếm họa tìm lại vị thế vốn có. Ban tổ chức cho biết, các tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải Cúp Rồng tre lần V sẽ được triển lãm vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Triển lãm các tác phẩm dự thi xuất sắc dự kiến diễn ra tại Không gian công cộng tại Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). Những hoạt động này nhằm giúp biếm họa nói chung và biếm họa báo chí nói riêng tiếp tục phát triển, lan tỏa và đến gần hơn với cộng đồng.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn