Tìm lại giọng nói “chuẩn men”

25-02-2013 13:34 | Tin nóng y tế
google news

Rối loạn giọng tuổi dậy thì (mutational falsetto) là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn (trưởng thành). Điều này khiến cho một số người mặc cảm và hạn chế giao tiếp trong xã hội.

Rối loạn giọng tuổi dậy thì (mutational falsetto) là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn (trưởng thành). Điều này khiến cho một số người mặc cảm và hạn chế giao tiếp trong xã hội.
Tìm lại giọng nói “chuẩn men” 1
Dậy thì xong, tiếng vẫn “bể”
 
Khi mới sinh, kích thước của thanh quản trẻ em chỉ bằng 1/3 thanh quản người lớn. Chiều dài của dây thanh là 4 – 4,5 mm. Thanh quản ở rất cao. Trong suốt thời kỳ thiếu niên, giọng nền của thanh quản xuống thấp rất chậm, từ từ theo sự phát triển của thanh quản và sự hạ thấp của thanh quản trong vùng cổ.
 
Trước tuổi dậy thì, đã có sự khác nhau giữa giọng nói nam và nữ nhưng rất kín đáo, chủ yếu là khác ở cường độ và âm sắc. Ở tuổi dậy thì, có sự biến đổi đột ngột của giọng nói, dưới tác động của những yếu tố nội tiết. Ở trẻ vị thành niên nam, sự thay đổi giọng thường xuất hiện ở 12 – 14 tuổi, cùng lúc với sự phát triển nhanh của cơ thể và hệ lông mao. Nó kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Kích thước thanh quản sẽ lớn lên và dây thanh dài thêm 1/3, nghĩa là thêm khoảng 1cm.
 
Về phương diện sinh lý, sự thay đổi kích thước của thanh quản kéo theo sự thay đổi về giọng nói. Trước khi dậy thì, trẻ thường sử dụng giọng đầu. Sau khi dậy thì, trẻ sẽ sử dụng cơ chế giọng ngực. Như vậy, nó không những làm giảm âm độ xuống một bát độ mà âm sắc còn trở nên sâu hơn, trầm hơn. Đôi khi, trong giai đoạn dậy thì, hai cơ chế này cùng tồn tại và trẻ thành niên sẽ nói giọng lúc cao, lúc trầm một cách tự phát, không kềm chế được. Thông thường, giai đoạn này chỉ kéo dài vài tháng.
 
Về mặt tâm lý, có nhiều trẻ thành niên bị mất phương hướng vì sự thay đổi quá đột ngột và quá khác biệt của giọng nói nên trong vô thức không chấp nhận giọng nói mới này. Từ đó kéo dài thời gian “bể tiếng” mà ở đây chúng tôi gọi là rối loạn giọng tuổi dậy thì.
 
Điều trị thế nào?
 
Hiện nay, khoa thanh học của nhiều nước đã áp dụng phương pháp luyện giọng để giúp bệnh nhân tìm lại giọng nói trầm của đàn ông.
 
Nhiều thầy thuốc giả thuyết rằng rối loạn giọng tuổi dậy thì là do sự xung đột tâm lý tiềm tàng của một người muốn giữ giọng nói cao và từ chối giọng nói trầm của nam giới do sự thay đổi quá đột ngột ở tuổi dậy thì.
 
Kỹ thuật để tạo ra giọng nói trầm gồm những phần sau: ho và phát ra nguyên âm; phát nguyên âm với thanh nôn đóng mạnh (glottal attack); giảm sự căng thẳng của các cơ; hạ thanh quản xuống khỏi vị trí cao bất thường; tằng hắng giọng lên xuống; dùng ngón tay ấn nhẹ vào sụn giáp khi bệnh nhân phát nguyên âm.
 
Đôi khi chỉ cần chứng tỏ cho bệnh nhân biết họ có thể phát ra âm trầm là đủ để họ có lại giọng nói nam nếu người ấy sẵn sàng để đổi giọng. Nếu bệnh nhân có biểu hiện không đáp ứng tốt với luyện giọng, cần tìm hiểu thêm các yếu tố khác, thói quen sinh hoạt trong đời thường và lúc đó phải giải thích và tư vấn cho họ.
 
Phác đồ luyện giọng có những bước cơ bản như sau: thư giãn; tập thở bụng; tằng hắng, phát âm; tập thở và phát âm; tập đọc: nhỏ lớn, thấp cao, kể chuyện; tập động tác môi miệng; tập phong cách; tập hát và phát âm theo đàn.
 
Qua đánh giá năm năm luyện giọng cho những bệnh nhân rối loạn giọng tuổi dậy thì tại bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, chúng tôi nhận thấy: tỷ lệ thành công cao: 78% (35/40 ca); bệnh nhân không tốn kém nhiều về tiền bạc, chỉ cần có thời gian để luyện giọng; ngoài việc tìm lại được giọng nói nam cố định, bệnh nhân còn thay đổi phong cách và lối sống, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn.
 
Ngoại trừ những trường hợp có bệnh lý kèm theo, kết quả luyện giọng tuỳ thuộc nhiều vào nhận thức của bệnh nhân, sự nỗ lực và độ kiên trì.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Ý kiến của bạn