Các cuộc tìm kiếm chiếc máy bay xấu số của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 đã trải qua 2 tháng mà chưa tìm thấy dấu tích nào.
Trong cuộc tìm kiếm khổng lồ đa quốc gia với 300 chuyến bay, hơn 3.000 giờ lùng lục trên bầu trời, và diện tích tìm kiếm mặt biển lên tới 4 triệu km2, mà chiếc máy bay khổng lồ mang theo 239 nhân mạng vẫn biệt tích. Theo người đứng đầu Bộ Giao thông Trung Quốc, giai đoạn tiếp theo của cuộc tìm kiếm sẽ mở rộng hơn, nhưng đồng nghĩa với nó là nhiều khó khăn hơn.
Thiết bị tự hành tìm kiếm dưới đáy đại dương.
Dự kiến giới chức Australia và Trung Quốc sẽ gặp nhau để lên kế hoạch cho giai đoạn tìm kiếm tiếp theo. Cuộc tìm kiếm mới dự kiến sẽ được thực hiện chủ yếu dưới đáy đại dương, nên việc xác lập bản đồ chi tiết đáy đại dương là rất quan trọng.
Phó Thủ tướng Australia Warren Truss cho biết, khi tìm kiếm dưới đáy đại dương, chúng ta cần phải “có một sự hiểu biết về chúng để cuộc tìm kiếm có hiệu quả nhất”.
Trước đó, Australia đã sử dụng các thiết bị tự hành dưới nước, tìm kiếm nhưng đều không có kết quả nào. Số các thiết bị tự hành dưới nước rất ít, chỉ khoảng 5 cái, trung bình 1 thiết bị có thể hoạt động dưới nước có khả năng quét được 40km2. Giai đoạn tìm kiếm tiếp theo có thể sẽ phải tăng số lượng các thiết bị tự hành dưới đáy đại dương.
Ước tính chi phí cho giai đoạn tìm kiếm tiếp theo sẽ lên tới 60 triệu USD. Australia cho biết sẽ tham vấn với Trung Quốc và Malaysia chia sẻ chi phí tài chính trên. Cho đến nay toàn bộ chi phí tìm kiếm chiếc máy bay MH370 đều do các nước tham gia tự trả tiền.
Theo các cơ quan chức năng Australia cho biết, bài học về chiếc máy bay 447 của hãng hàng không Air France còn đó, người ta đã mất đến 2 năm để tìm ra nó ở Đại Tây Dương.
Trần Hải
(Theo CNN)