Hà Nội

Tìm hướng thoát nghèo từ cây chuối leo Tây Nguyên

12-05-2018 08:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Dẫu những ngày nắng kéo tuần này qua tuần nọ hay mấy tháng mưa dầm dề thì những rừng chuối bao bọc quanh nhiều buôn làng ở Tây Nguyên vẫn trải dài màu xanh. Người Kinh hay Ba Ban, Ê Đê, Xê Đăng...

khi bắt tay vỡ vạc những quả đồi trọc để trồng loại chuối đặc biệt này đều kiên định lời hứa trước cộng đồng không được phun bất cứ thuốc bảo vệ thực vật lẫn thuốc kích thích nào lên chuối.

Thương hiệu của núi rừng

Mấy mùa mưa bão trôi qua, hàng ngàn người dân ở buôn A, buôn B xã Yang Reh (Krông Bông, Đăk Lăk) thấm hiểu ra điều kỳ diệu là, lao động cần mẫn, vỡ vạc đồi hoang, phủ xanh núi trọc không chỉ mang lại những buồng chuối căng tròn, tấp nập khách dưới xuôi lên mua mà còn chống xói mòn đất, không còn xuất hiện những luồng nước đỏ, đục ngầu thốc thác thẳng vào buôn mỗi khi trời nổi cuồng phong, trút xuống mưa bão. Bao năm trước những quả đồi trọc còn được ví như miếng mồi nhử lũ quét, không còn đồi trọc, nỗi ám ảnh lũ quét cũng được xua tan.

Chuối đã giúp nhiều buôn làng vùng sâu no ấm, thoát nghèo.

Chuối đã giúp nhiều buôn làng vùng sâu no ấm, thoát nghèo.

Vừa trở về từ đồi chuối ở buôn A, ông Y Hải thở phào, vỡ lẽ ra rằng, có đến hàng chục thử nghiệm với các loại cây trồng khác nhưng vẫn không hiệu quả. Mấy năm trước trồng cà phê, ca cao rồi bưởi... sức lao động đổ ra sối sả nhưng thành quả thu được gần như số không. Có năm giáp hạt hay ngày lễ mùng 1/5 mà vẫn đói dài. Bây giờ thì sung túc rồi, thương hiệu “chuối leo núi” ở nhiều vùng đất của Tây Nguyên rất được ưa chuộng. Loại chuối đặc biệt này, người Kinh nôm na gọi là chuối mốc. Khi bén rễ trên các quả đồi trọc và cằn cỗi ở Tây Nguyên thì ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, hương vị của loại chuối leo núi này hiếm nơi nào có được. Ông Y Hải khoe rằng: Hình như thổ nhưỡng vùng đất này ban tặng chất lượng đặc biệt cho chuối. Nhiều thương lái đến mua đều nhận xét chuối leo núi này ngọt hơn, thơm hơn, vị đậm đà và khó quên hơn trồng ở đồng bằng hoặc trong các ruộng rẫy màu mỡ.

Từ những thử nghiệm ban đầu cho đến khi chuối leo núi vào những nhà hàng sang trọng là giấc mơ với những lao động quanh năm chân chăm lội suối, tay chăm cuốc rẫy. Bà AMí Thanh ở buôn B phấn khởi chia sẻ rằng: Có những năm chuối cứu đói cho cả buôn làng. Xưa, không ai dám mơ đến ngày chuối của mình được xuất bán đi nhiều nơi thế. Lúc đầu, các thương lái còn tưởng là chuối rừng mọc tự nhiên, khi nghe người trong các buôn diễn giải thì họ mới hiểu. Cây chuối leo núi này không chỉ ươm xanh đồi trọc để che chở cho buôn làng mà còn kéo nhiều thương lái đến giao thương. Có lần trong những ngày lễ, người dưới xuôi còn chở cả xe tải quần áo và các nhu yếu phẩm lên để đổi lấy chuối leo núi ở Tây Nguyên.

Một trong những điều mà nhiều thương lái khi đến các vùng đất của Tây Nguyên mua loại chuối trồng trên những đồi cằn cỗi còn là được cả người dân tộc thiểu số bản địa lẫn người nhập cứ viết giấy cam kết chuối an toàn tuyệt đối cho sức khỏe, không phun hay ủ bất kỳ một loại hóa chất hay thuốc kích thích nào. Riêng các thôn thôn 2, 3, buôn A, buôn B ở xã Yang Reh đều bạt ngàn chuối leo núi. Là một trong những người tiên phong xuất bán chuối đi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, ông Y Nam ở buôn B khẳng định: Cây trồng này giống như trời ban cho buôn làng vậy. Chẳng cần chăm sóc gì, cứ để mặc cho tắm táp với mưa nắng quanh năm. Những ngày lễ người dân khắp nơi còn mua chuối về để thờ cúng, để đãi khách. Cứ trung bình 1ha chuối leo núi, mỗi năm lời được 20-30 triệu đồng, chuối ra quả quanh năm. Tự bao năm nay, thương lái đặt cho chuối trên các đồi trọc này biệt danh là “chuối leo núi”, “chuối sạch”, “chuối của buôn”... các dân tộc bản địa rất thích với những tên gọi này xem đó như là món đặc sản chốn non sâu.

Nhiều quả đồi trọc cằn cỗi ở Tây Nguyên được phủ xanh bởi chuối.

Nhiều quả đồi trọc cằn cỗi ở Tây Nguyên được phủ xanh bởi chuối.

Nhiều quả đồi trọc cằn cỗi ở Tây Nguyên được phủ xanh bởi chuối.

Nên duyên từ đồi chuối

Trên những đồi chuối dọc dài mảnh đất Tây Nguyên còn se duyên cho nhiều đôi lứa, hàn gắn nỗi tự ti, mặc cảm của nhiều thân phận thông qua những buổi lao động sản xuất. Ni Ê Hải ở buôn Cùi, xã Ea Trang (huyện Ma Đ’Rắk, Đăk Lăk) xòe đôi tay sần sùi chỉ còn 7 ngón bộc bạch rằng: Mình bị bệnh hủi ăn hết mấy ngón tay. Mấy năm trước có vài sào lúa hay mất mùa vừa chật vật lo cuộc sống đạm bạc lại vừa mặc cảm vì tật nguyền nên không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Rồi một ngày được già làng Ni Ê Ban mang về hàng trăm cây chuối xin được từ những buôn khác rồi khuyên những lao động chính trong các buôn sâu hãy hăng hái gieo từng nhánh chuối giống xuống các rẻo đất trong các hốc đá. Chẳng mấy chốc, sức người đã biến những quả đồi cằn cỗi khắp xã Ea Trang và dọc quốc lộ 26 thành những đồi chuối bạt ngàn.

Mến thương sự cần mẫn của Ni Ê Hải trong những buổi trồng chuối trên đồi trọc, sơn nữ A Mí Thanh đã đem lòng yêu và họ nhanh chóng nên duyên vợ chồng. Từ đó, A Mí Thanh bỏ hẳn nghề luồn rừng đi bứt cây đót thuê ở nhà cùng chồng thồ chuối leo núi về dưới xuôi bán. A Mí Thanh tâm tình rằng: Mình có sức khỏe tốt lại còn trẻ nên gom chuối của bà con trong buôn mang đi bán trực tiếp ở xuôi thì được giá cao hơn. Người ở xuôi thấy mình về bán họ cũng thương và ít khi trả giá. Cuộc sống từ đó mà ấm no, sung túc hơn.

Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Ma Đ’rắk cũng ổn định cuộc sống, tiết kiệm làm được nhà kiên cố một phần nhờ loại chuối trồng trên đồi này. Không chỉ Ni Ê Hải trên những đồi chuối ở Ma Đ’rắk còn có nhiều chuyện tình đẹp vẫn được mọi người nhắc đến như; Ni Ê Chiến nên duyên với Y Thu từ những ngày cùng nhau đi thu hoạch chuối hay Ni Ê Bảo sang tuổi 50 mới bén duyên cùng chị Y Thảo trong những lần đi cắt cọng tàu lá chuối khô đem bán cho các xưởng sản xuất mỹ nghệ ở Khánh Hòa.

Là một trong những thanh niên người Ba Na tiên phong mang chuối về những quả đồi trọc ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh, Gia Lai) ươm xanh, Đinh Phao cũng tạo nên sự ngỡ ngàng cho nhiều người. Những ngày đầu tiên, già làng Đinh Rớp ở làng Kon Sa Lăng còn thốt lên rằng: Thật viển vông. Cây chuối yếu ướt, bẻ một cái là gập đôi như thế mà bỏ xuống kẻ đá thì chẳng sống nổi qua một lần trăng mọc. Niềm tin đã được củng cố từ những lần thăm quan thực tiễn ở các đồi chuối khác nên Đinh Phao vẫn xông xáo vỡ vạc đồi trọc. Cho đến ngày, những buồng chuối chắc nịch, quả chen chúc trĩu cây thì người già lẫn người trẻ ở xã Hà Tây hoàn toàn tin rằng cây chuối đặc biệt sẽ góp phần mở ra hướng thoát nghèo cho các buôn làng. Từ ngỡ ngàng chuyển sang nể phục Đinh Phao nên già làng Đinh Rớp quyết định se duyên cho con gái của mình với Đinh Phao đến nay họ đã có với nhau hai đứa con, cuộc sống no đủ và êm ấm.

Lợi ích nhiều mặt

Theo UBND xã Hà Tây thì, từ những người tiên phong đầu tiên đến nay trên địa bàn đã có trên 100 ha chuối mốc (hay người bản địa còn gọi là chuối leo núi). Loại chuối này thích nghi được với nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau, không sợ khô hạn cũng không sợ ngập úng. Xã khuyến khích người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số năng động trồng loại chuối này. Thu hoạch đến đâu có người đến mua giá cao đến đó. Nhiều bộ phận của chuối đều phát huy tác dụng hoặc bán được như: hoa chuối có giá 2.000-4.000 đồng/cái để làm rau sạch, lá chuối dùng thức ăn cho chăn nuôi, cây chuối sau thu hoạch mang về làm thức ăn cho bò. Đặc biệt cọng của tàu lá hay bẹ già từ các thân cây còn có thể bán vào xác xưởng làm đồ mỹ nghệ để làm nguyên liệu đan lát. Từ ngày có những đồi chuối hiện hữu, hàng ngàn thanh niên trong các buôn sâu ở Tây Nguyên không phải đi lao động xa mà vẫn có thể làm giàu trên chính quê hương của mình.

Là y tá thôn bản đồng thời cũng chủ vựa thu mua chuối leo núi, chị Lê Thị Hà ở xã Yang Reh (huyện Krông Bông, Đăk Lăk) nhìn nhận: Loại chuối trồng trên các quả đồi trọc dinh dưỡng cao và có mùi hương rất đặc biệt. Loại chuối ở Tây Nguyên này nói riêng cũng như các loại chuối nói chung đều có tác dụng giúp tinh thần, thể chất khỏe mạnh, cải thiện dạ dày, nhuận tràng, tác dụng tốt cho huyết áp và còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung chất xơ và vitamin.


Bài, ảnh: HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn