Tìm hiểu về vắc-xin và các sản phẩm miễn dịch

12-09-2018 19:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vắc-xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho người nhằm tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể.

Vắc-xin tương tác với hệ thống miễn dịch để tạo ra miễn dịch tương tự như quá trình nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.

Các vắc-xin sống

Là vắc-xin vi sinh vật sống đã được làm yếu đi nhờ các quá trình lý hóa học nhằm kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch mà không gây bệnh nặng. Ví dụ như các vắc-xin: sởi, quai bị, Rubella, thương hàn, sốt vàng, cúm, Rota, zoster có thể được tiêm bất cứ lúc nào trước, trong và với các sản phẩm globulin miễn dịch. Máu và các sản phẩm của máu có chứa kháng thể có thể ức chế đáp ứng miễn dịch của sởi, Rubella trong vòng 3 tháng. Do đó, sau khi tiêm sản phẩm có chứa kháng thể thì các vắc-xin sống (ngoài sốt vàng, cúm, zoster và Rota) phải được trì hoãn cho đến khi các kháng thể thụ động bị phân hủy. Nếu 1 liều vắc-xin virut sống được tiêm sau khi sử dụng các sản phẩm miễn dịch có chứa kháng thể với khoảng cách ngắn hơn quy định thì phải tiêm nhắc lại liều vắc-xin này. Việc tác động đến đáp ứng miễn dịch có thể xảy ra nếu tiêm đồng thời hoặc nếu tiêm các sản phẩm miễn dịch có chứa kháng thể sau khi tiêm vắc-xin MMR và thủy đậu. Thông thường sự nhân lên của virut vắc-xin và kích thích đáp ứng miễn dịch xảy ra từ 1-2 tuần sau tiêm vắc-xin. Nếu khoảng cách vắc-xin và sản phẩm miễn dịch này dưới 14 ngày thì vắc-xin này phải được nhắc lại tại thời điểm quy định.

Các vắc-xin bất hoạt

Vắc-xin bất hoạt: Là vắc-xin chế từ virut và vi khuẩn đã được làm chết nhờ quá trình lý hóa học và do đó không có khả năng gây bệnh. Việc sử dụng các sản phẩm miễn dịch có chứa kháng thể ít ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của việc tiêm vắc-xin bất hoạt, giải độc tố, tái tổ hợp và vắc-xin polysaccharide. Do đó có thể tiêm đồng thời các vắc-xin bất hoạt với các sản phẩm miễn dịch có chứa loại kháng thể. Tuy nhiên, cần phải tiêm ở các vị trí khác nhau và không nên tăng thể tích mỗi liều vắc-xin hoặc số các mũi tiêm vắc-xin cần tiêm.

Việc hoán đổi các vắc-xin của các nhà sản xuất vắc-xin khác nhau

Vắc-xin của các nhà sản xuất vắc-xin khác nhau thường không giống nhau về thành phần kháng nguyên và phương pháp sản xuất. Các vắc-xin phối hợp với các thành phần kháng nguyên như nhau của cùng nhà sản xuất có thể được hoán đổi cho nhau. Về nguyên tắc không hoán đổi những vắc-xin phối hợp của nhà sản xuất khác nhau, tuy nhiên nếu không có vắc-xin của cùng nhà sản xuất hoặc không biết rõ mũi tiêm trước của nhà sản xuất nào thì vẫn có thể tiêm vắc-xin hiện có. Nhìn chung không nên trì hoãn tiêm vắc-xin với lý do là vắc-xin của liều trước đây không có sẵn hoặc không rõ ràng. Tất cả các loại vắc-xin khác nhau từ các nhà sản xuất khác nhau của vắc-xin HIB cộng hợp, VGB, VGA, Rota virut và vắc-xin cộng hợp não mô cầu tứ giá có thể hoán đổi cho nhau. Nếu trẻ cần tiêm 2 liều vắc-xin cúm sống hoặc bất hoạt thì nên tiêm vắc-xin cùng loại.

(Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở VN)


Linh San
Ý kiến của bạn