Đông y có thuyết tạng phủ, gọi tắt là tạng tượng. Tạng là chỉ các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Tượng là các hiện tượng do các tạng hoạt động biểu hiện ra bên ngoài lúc bình thường cũng như khi bị bệnh mà thầy thuốc có thể biết được.
Nhân trần. |
Các cơ quan nội tạng của cơ thể được chia ra 6 tạng, 6 phủ và phủ kỳ hằng.
6 tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận, tâm bào.
6 phủ: tiểu tràng, đại tràng, vị, đại trường, bàng quang, tam tiêu.
Phủ kỳ hằng là các cơ quan còn lại như: não, tủy, tử cung...
Trong phạm vi bài này xin phép trình bày về tạng can.
Chức năng của tạng can
Can chủ sơ tiết: Phân bố dương khí toàn thân, sách Tố vấn ghi: "Can giữ chức tướng quân". Nếu can khí thiếu làm người ta yếu đuối dễ sợ. Nếu can khí sơ tiết quá độ, can dương thịnh dễ sinh choáng váng, đau đầu, mắt đỏ, chảy máu mũi. Can khí bị dồn nén uất ức dễ sinh ngực đầy tức, đau mạng sườn.
Can tàng huyết: Tàng là giữ, chứa và điều hòa lượng huyết trong cơ thể. Khi hoạt động lượng huyết cung cấp cho cơ quan nhiều. Khi nghỉ lượng huyết cho các cơ quan ít. Khi ngủ thì huyết về can.
Can chủ cân: Cơ khớp co duỗi vận động được điều hòa là nhờ can dinh dưỡng cân tốt.
Khi bị trúng phong, tổn thương can, cơ thể có thể liệt từng phần như liệt mặt hoặc liệt nửa người. Can vinh nhuận ra móng tay móng chân, xem móng để biết can khỏe hay yếu "móng là phần dư của can". Can liên quan với tâm theo quan hệ tương sinh là hỗ trợ giúp đỡ nhau hoạt động. Can liên quan với tỳ theo quan hệ tương khắc, nghĩa là can ức chế kìm hãm tỳ không cho tỳ hoạt động quá mức.
Tạng thận quan hệ với can theo quan hệ tương sinh, tạng phế quan hệ với can theo quan hệ tương khắc.
Như vậy bệnh ở tạng can có thể do bị dồn nén uất ức cũng có thể do quá trình tương sinh không đủ. Thận yếu sinh can yếu.
Cũng có thể do khắc phạt quá mức: phế khắc can. Can quan hệ với đởm là quan hệ âm dương, quan hệ tạng phủ. Đởm và can cùng ở hành mộc trong ngũ hành.
Phòng bệnh cho tạng can chính là có chế độ sinh hoạt điều hòa, tránh căng thẳng, bực tức, uất ức. Người bị trù úm, dồn nén, oan ức nhiều, hoặc cuộc sống quá căng thẳng thường làm can suy yếu.
Thuốc để chữa bệnh can có nhiều, tùy thể bệnh mà thầy thuốc sẽ chọn để phối hợp với nhau.
Thí dụ: Các vị thuốc nhuận can như rau má, nhân trần, dành dành...; Thuốc điều hòa chức năng can như: sài hồ, hoàng cầm, bạch thược, thiên ma, câu đằng; Thuốc hỗ trợ can như sơn thù, ngũ vị...
Một số bài thuốc trị bệnh ở can:
Nếu bệnh nhân có triệu chứng: vàng da mắt, đau tức vùng sườn, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi, tiểu vàng... Có thể dùng bài thuốc có thành phần: Nhân trần 12g, sa tiền 12g, chi tử 8g, trạch tả 12g, phục linh 12g, bạch truật 16g, chư linh 10g, hoàng kỳ 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu người bệnh có triệu chứng miệng đắng, đầy trướng bụng, ngực sườn đầy tức, da vàng sẫm, tiểu vàng, lưỡi đỏ, mạch huyền sác. Có thể dùng bài thuốc sau: Nhân trần 12g, hoài sơn 12g, đương quy 12g, bạch truật 16g, ý dĩ 30g, uất kim 12g, phục linh 12g, bạch thược 12g, chỉ thực 12g. Sắc uống ngày một thang.
Nếu người bệnh có triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, dễ cáu gắt, nóng tính, miệng đắng, tiểu vàng, đau mỏi mờ mắt, mạch huyền sác. Có thể dùng bài thuốc sau: Chi tử 8g, sài hồ 12g, trạch tả 12g, xuyên khung 12g, câu đằng 12g, bạch thược 12g, thiên ma 12g, đương quy 12g, thảo quyết minh 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu tính tình dễ thay đổi, dễ cáu gắt, kinh nguyệt rối loạn, đau bụng khi hành kinh, hoặc kinh ra nhiều. Có thể dùng bài thuốc: Hương phụ chế 16g, tang bạch bì 12g, uất kim 12g, tô ngạnh 12g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, nhọ nồi 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Người già hay đau đầu, đổi tư thế dễ chóng mặt hoa mắt, ngủ kém, dễ buồn bực có thể dùng bài: Sài hồ 12g, hoa hồng 10g, bạch thược 12g, thảo quyết minh 20g, thiên ma 12g, uất kim 12g, câu đằng 12g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, tục đoạn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
PGS.TS. Dương Trọng Hiếu