Khi ngôi sao Mandy Moore đưa con trai mình tới cơ sở y tế, đội ngũ gồm các bác sĩ nhi khoa, da liễu nhi khoa đã tìm ra nguyên nhân khiến cậu bé ngứa khắp cánh tay, chân và bàn chân. Và thủ phạm chính là hội chứng Gianotti-Crosti.
Theo TS. Melissa Levoska, bác sĩ da liễu tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, New York, hội chứng Gianotti-Crosti là bệnh ngoài da hiếm gặp, vì vậy mà nhiều bác sĩ có thể gặp khó khăn trong chẩn đoán.
Hội chứng Gianotti-Crosti là gì?
Theo TS. Shari Lipner, khoa da liễu lâm sàng tại Trường Y khoa Weill Cornell (New York, Mỹ), khi mắc hội chứng Gianotti-Crosti, bệnh nhân thường nổi phát ban lành tính trên mặt, cánh tay, chân và mông. Thông thường các nốt phát ban không xuất hiện ở vùng da đầu, ngực và lưng.
Bệnh nhân nổi các vết sưng cứng màu hồng và thường cảm thấy ngứa.
Trẻ mắc hội chứng Gianotti-Crosti hiếm gặp thường bị nổi phát ban ở tay, chân.
Hội chứng Gianotti-Crosti là bệnh ngoài da hiếm gặp, thường gặp ở trẻ dưới 4 tuổi nhưng không phổ biến.
Nốt phát ban thường do virus gây ra nên có thể đi kèm với các triệu chứng như sốt, đau họng, ho, tiêu chảy hoặc đau bụng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Gianotti-Crosti
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải tại sao có trẻ mắc hội chứng Gianotti-Crosti còn những trẻ khác thì không?
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nguyên nhân một số trẻ mắc hội chứng Gianotti-Crosti được cho là do cơ thể phản ứng quá mẫn cảm với tình trạng nhiễm khuẩn.
Ở Mỹ, nguyên nhân gây ra hội chứng Gianotti-Crosti thường là do nhiễm virus Epstein-Barr. Đây là loại virus gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
Trên toàn cầu, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng Gianotti-Crosti là virus viêm gan B, tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân chính ở Mỹ do phần lớn người Mỹ đã được tiêm phòng viêm gan B.
Theo Bệnh viện Nhi Quốc gia Mỹ, hội chứng Gianotti-Crosti thông thường được gọi là phát ban do virus hoặc phát ban nổi ngoài da liên quan đến nhiễm virus.
Những bệnh truyền nhiễm khác khiến cơ thể nổi phát ban bao gồm sởi, rubella, và bệnh tay chân miệng.
TS. Levoska cho biết, với trẻ em, khi cơ thể trẻ nổi phát ban, điều đầu tiên mà các bác sĩ nghĩ tới đó là do trẻ nhiễm virus.
Điều trị hội chứng Gianotti-Crosti
Theo TS. Melissa Levoska, người mắc hội chứng Gianotti-Crosti thông thường tự khỏi bệnh từ vài tuần đến vài tháng.
Nếu nốt phát ban không mờ đi, bác sĩ da liễu có thể kê đơn thuốc steroid bôi tại chỗ.
TS. Shari Lipner cho biết, các loại kem dưỡng ẩm, thuốc kháng histamine và hydrocortisone cũng có thể hữu ích trong điều trị hội chứng Gianotti-Crosti.
TS. Melissa Levoska chia sẻ, để chẩn đoán hội chứng Gianotti-Crosti, không cần phải sinh thiết hoặc xét nghiệm máu khi thấy triệu chứng nổi phát ban. Tuy nhiên, do đây là tình trạng hiếm gặp nên khó chẩn đoán đối với các chuyên gia y tế không phải chuyên khoa da liễu. Sau khi khỏi, các nốt phát ban sẽ mờ đi theo thời gian.
Mời độc giả xem thêm video:
Bác sĩ khuyến cáo quan trọng phòng ngừa bệnh tay chân miệng