Hà Nội

Tìm Helicobacter Pylori bằng cách đo 14C urê trong hơi thở

22-01-2017 13:57 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Việc tìm Helicobacter pylori (H.P) trong bệnh loét dạ dày rất quan trọng, bởi vì sau khi đã tìm ra nguyên nhân thì bệnh sẽ được chữa dứt hẳn, không tái phát và tránh cho bệnh nhân khỏi cơn đau dai dẳng.

Hiện nay phác đồ điều trị loét dạ dày gồm 2 kháng sinh kết hợp với 1 ức chế bơm proton. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 90% trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng là do vi khuẩn H.P gây ra. Vi khuẩn HP cũng là nguyên nhân hàng đầu trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày.

Trước khi phương pháp này được phát minh vào năm 1998 thì đã có nhiều phương  pháp thử nghiệm khác tìm H.P.

- Phương pháp thử máu tìm kháng thể H.P trong huyết thanh, tuy dễ thực hiện nhưng không xác định được sự nhiễm H.P ở tình trạng phát triển hay thụ động.

- Phương pháp sinh thiết dạ dày qua nội soi.

- Phương pháp thổi bong bóng nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiện lợi cho cả người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm (tức là đo 14C urê trong hơi thở):

Men urease không có trong tế bào động vật có vú, do đó khi có urease tức là phải có vi khuẩn. Sự hiện diện của urease không phải là tính đặc thù của H.P, nhưng những vi khuẩn khác ít khi gặp trong dạ dày.

Tìm Helicobacter PyloriBệnh nhân sẽ thổi hơi thở vào một bong bóng thể tích 2 lít

Phương pháp đo 14C urê trong hơi thở:

Bệnh nhân được cho nuốt một viên thuốc con nhộng chứa một lượng nhỏ urê, công thức hóa học CO(NH2)2, nguyên tử cacbon trong phân tử này được đánh dấu với cacbon đồng vị 14C. Viên thuốc này được hòa tan trong dạ dày sau 3 phút. Nếu có sự hiện diện của H.P thì urease của vi khuẩn sẽ phân giải u-rê thành NH3 và 14CO2. Khí 14CO2 được hấp thụ vào dòng máu và thoát ra trong hơi thở. 10 phút sau khi uống thuốc, bệnh nhân sẽ thổi hơi thở vào một bong bóng thể tích 2 lít. Mẫu hơi thở có chứa các bon đồng vị sẽ được phân tích bởi một máy đếm 14C để khảo sát kết quả. Trường hợp không có H.P, urê có mang các bon đồng vị sẽ bị loại ra khỏi cơ thể bệnh nhân sau 12 giờ trong nước tiểu.

Mức độ chính xác: độ nhạy(82 - 96%),tính đặc thù(88 - 96%), kết quả dương tính chính xác(86 - 100%), kết quả âm tính chính xác(98 - 99%).

Yếu tố có thể làm sai lạc kết quả:

- Nếu bệnh nhân trước đó có dùng kháng sinh hay thuốc đau dạ dày có thể khiến kết quả âm tính giả.

- Nếu bệnh nhân nhiễm một loại vi khuẩn cũng sinh ra urease thì kết quả sẽ dương tính giả.

- Thức ăn có thể khiến urê không tiếp xúc được chỗ loét nên tạo ra kết quả âm tính giả.

Mức an toàn: cho bệnh nhân uống thuốc có chất phóng xạ như vậy có an toàn không? Mỗi viên thuốc chỉ chứa một lượng rất nhỏ chất đồng vị khoảng 1 microurie tương đương với thời gian ở ngoài trời 24 giờ tiếp xúc với các tia bức xạ trong không trung.

Hướng dẫn bệnh nhân:

- Đừng ăn uống ít nhất 6 giờ trước khi thử nghiệm. Nếu có dùng kháng sinh trong tháng trước thì phải cho bác sĩ biết. Thử nghiệm phải dời lại ít nhất một tháng trước khi dùng kháng sinh.

- Nếu bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng omeprazol, lansoprazol, sulcrafate, phải ngưng dùng thuốc ít nhất 2 tuần trước khi thử nghiệm.

-Nếu bệnh nhân có dùng thuốc chứa bismuth, phải chờ 1 tháng mới thử được.

- Mặc dù lượng phóng xạ rất nhỏ nhưng không nên cho trẻ em và phụ nữ có thai tiến hành thử nghiệm.


BS. VĨNH HÒA
Ý kiến của bạn