Với nhiều người trẻ, tranh Hàng Trống là một khái niệm gần như hoàn toàn xa lạ, nhưng khi biết và hiểu về nó, sự xót xa, tiếc nuối là cảm giác không thể tránh khỏi. Khó mà tưởng tượng một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam đã từng đạt đến đỉnh cao nghệ thuật lại “mất hút” nhanh chóng đến thế. Khi người trong giới ý thức về tầm quan trọng của việc duy trì mảng nghệ thuật giàu bản sắc văn hóa như tranh Hàng Trống thì mọi sự dường như quá muộn...
Khi đỉnh cao thoái trào
Ngược dòng thời gian, 400 năm về trước, đây được xem là thời điểm tranh Hàng Trống đang ở ngưỡng huy hoàng nhất khi trở thành một thú chơi sang chảnh của người Tràng An. Dòng tranh này được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa. Khi đó, trên khắp các con phố này, người ta bày la liệt mấy chục quầy tranh để thu hút người mua. Cứ vài quầy tranh lại đến hàng một ông đồ viết câu đối, hàng bán hoa đào rồi lại đến quầy tranh.
Trong các mảng nghệ thuật truyền thống khác đang “lo sốt vó” vì quá ít nghệ nhân duy trì được thì tranh Hàng Trống ở tình trạng nguy cấp hơn cả.
Khác với tranh Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống thường sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Tranh Hàng Trống sau khi vẽ mẫu, khắc gỗ rồi in nét, cuối cùng mới tô màu bằng tay. Công đoạn tô màu là khó khăn, tốn nhiều tâm sức và thời gian nhất. Nghệ thuật ở đây là việc dầm bút lấy màu nhiều hay ít đối với ngòi bút, bụng bút lông và cường lực ở tay khi tô màu nặng hay nhẹ để gây được hiệu quả sáng, tối và tạo cảm giác hình khối của người hay vật trong bức tranh... Do đó, ở mỗi bức tranh Hàng Trống thường vẫn có điểm khác, dù cùng được in trên một mẫu. Màu sắc tuy được dùng bằng phẩm màu nhưng lại có ưu điểm là tươi tắn, sống động và ưa nhìn.
Theo trí nhớ của những người Hà Nội xưa thì tranh Hàng Trống thời phồn thịnh được chia làm hai loại: tranh chơi Tết và tranh thờ. Những tác phẩm tranh Tết Hàng Trống tiêu biểu và nổi tiếng gồm: Tùng cúc trúc mai, Lý ngư vọng nguyệt, Chợ quê, Tố nữ... Ngay cả những người chưa biết đến tranh Hàng Trống thì khi nhắc đến Tùng cúc trúc mai hay Chợ quê thì ngay lập tức họ sẽ “ồ”, “à”, “Hóa ra đó là tranh Hàng Trống”, thậm chí những tác phẩm nổi tiếng này vẫn đang hiện hữu trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, hầu hết chúng chỉ là những tác phẩm “nhái” tranh Hàng Trống. Còn tranh Hàng Trống thực sự đang “cư trú” ở đâu thì chỉ những người trong giới mới biết. “Bây giờ, ai có trong tay vài chục bức tranh Hàng Trống, người đó đã được coi là có một gia sản đồ sộ” - một chủ cửa hàng bán tranh Hàng Trống tại Hà Nội cho biết.
Đáng tiếc, tranh Hàng Trống không may mắn như tranh Đông Hồ, giai đoạn phồn thịnh quá ngắn ngủi. Những người đang sở hữu các tác phẩm tranh Hàng Trống cũng chỉ biết lưu giữ nó hàng ngày, còn việc tái hiện bộ môn nghệ thuật này ra sao thì có lẽ ngoài tầm cố gắng của họ. Đến nay, còn rất ít người giữ được kỹ thuật làm tranh theo bản khắc tranh cổ từ thế kỷ trước. Do không ý thức được giá trị của tranh Hàng Trống, nhiều gia đình chỉ coi đó là sản phẩm thời vụ, hết một năm lại bỏ đi và không có ý thức giữ gìn, vì vậy bị thất lạc khá nhiều. Theo thời gian, tranh Hàng Trống dần đi vào lãng quên tại các tư gia, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng hay trong nỗ lực của một vài nhà sưu tầm, nghiên cứu tranh hiếm hoi, tâm huyết.
Có thể nói, tranh Hàng Trống đang đấu tranh từng ngày, từng giờ để giành giật lại sự sống. Tuy nhiên, dòng tranh này càng hiếm và đắt thì việc duy trì cũng như phát triển nó càng trở nên nan giải.
Những nỗ lực có hạn
Trong các mảng nghệ thuật truyền thống khác đang “lo sốt vó” vì quá ít nghệ nhân duy trì được chúng thì tranh Hàng Trống ở tình trạng nguy cấp hơn cả, thậm chí chẳng biết ngày mai sẽ ra sao. Cho đến nay, nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người duy nhất còn sót lại trong cuộc hành trình bảo tồn, gìn giữ dòng tranh quý đang có nguy cơ mai một này. Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mời ông tới làm việc cùng với một yêu cầu cụ thể duy nhất: phục chế tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại Bảo tàng. Từ đó, nghệ nhân Lê Đình Nghiên không chỉ làm tranh mà còn kiêm nghề phục chế tranh và chuyên về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ông vẽ tranh, in tranh, sửa chữa tranh theo mẫu cũ.
Hiện nay, ở tuổi thất thập cổ lai hy, công việc dường như quá nặng so với sức ông. Mỗi ngày, ông chỉ được thảnh thơi vài phút vào lúc giữa trưa để nhâm nhi chén trà. Những khoảng thời gian còn lại, ông vùi đầu vào việc vẽ tranh. Người thưởng ngoạn chỉ có thể ngắm và mua tranh tại căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nghiên, nhưng chủ yếu ông chỉ bán cho khách hàng quen và thực sự yêu thích tranh Hàng Trống. Tiền thu được không nhiều, không thể đem lại một cuộc sống ổn định cho gia đình, nhưng đủ khiến ông thêm hy vọng với việc gìn giữ nghề tổ.
Có thể nói, tranh Hàng Trống tuy không phát triển rực rỡ như xưa nhưng sức sống vẫn mãnh liệt khi vẫn còn có người trân quý nó. Tuy nhiên, sự cầm cự này quá yếu ớt, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Để tranh Hàng Trống không rơi vào quên lãng, thiết nghĩ các nhà quản lý cần tìm giải pháp “cấp cứu” kịp thời!
Nam Phương