Tử vong mẹ và trẻ em chênh lệch lớn giữa các vùng miền
Thực hiện Quyết định số 1493/QĐ-TTg, ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 và Quyết định số 2779/QĐ-BYT, ngày 04/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025; Bộ Y tế tổ chức Hội thảo phổ biến và lập kế hoạch triển khai về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ, sống ở Việt Nam xếp thứ 5 ở Đông Nam Á. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%, tỉ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%, tỉ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt xấp xỉ 80%. Tỉ lệ tử vong mẹ có sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc trong đó tử vong mẹ ở vùng 3 gấp 3,5 lần vùng 1, tỷ lệ tử vong mẹ ở người dân tộc Hmong gấp 7-8 lần dân tộc Kinh, Tày. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong mẹ là băng huyết (chiếm 52%), còn lại là các nguyên nhân gián tiếp.
Về tình hình chăm sóc sức khỏe trẻ em, từ năm 2000 đến 2021, tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm 1,93 lần, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm 2,17 lần và tử vong sơ sinh giảm 1,55 lần. Tuy vậy khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở dân tộc Hmong, Bana cao gấp 2,5 lần dân tộc Kinh, người Hoa.
Tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng được cải thiện rõ rệt giai đoạn 2010-2020, từ 17,5% giảm xuống còn 11,5%. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Ở miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số (Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên): các tỷ lệ chăm sóc trước sinh, đẻ được cán bộ y tế có kinh nghiệm đỡ, chăm sóc sau sinh, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng… cao so với toàn quốc và dân tộc Kinh. Chất lượng chăm sóc trước sinh vẫn rất thấp.
Thách thức đặt ra theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em là tử vong mẹ do nguyên nhân gián tiếp tăng như các bệnh không lây nhiễm, tình trạng trầm cảm khi mang thai và sau sinh, bệnh di truyền, chuyển hóa dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng thấp còi ở miền núi và béo phì ở thành thị. Sự bùng phát trở lại các bệnh như sởi, bạch hầu, sốt xuất huyết và tác động của thiên tai, địch họa, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...
Tăng cường năng lực y tế vùng khó khăn
Định hướng chính sách trong thời gian tới là lựa chọn các can thiệp nhằm giảm hơn nữa tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em phù hợp với điều kiện và yếu tố văn hóa của tỉnh, tập trung cho đối tượng ưu tiên. Tăng cường tính sẵn có và nâng cao chất lượng chăm sóc. Gắn kết chương trình sức khẻo sinh sản với các chương trình liên quan như dân số, HIV/AIDS, tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng, y tế dự phòng. Phối hợp liên ngành, gắn với các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và cuối cùng là truyền thông nâng cao nhận thức của người dân.
Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đặt mục tiêu giảm tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền về tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em có chất lượng.
Đến năm 2025, giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh xuống 9‰ trong toàn quốc và xuống 15‰ ở các tỉnh năm 2020 có tỷ suất tử vong sơ sinh trên 19‰; Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 12,5‰ trong toàn quốc và xuống 19,5‰ ở các tỉnh năm 2020 có tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi trên 21‰; Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 18,5‰ trong toàn quốc và xuống 29,5‰ ở các tỉnh năm 2020 có tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi trên 32‰.
Đến năm 2030, giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh xuống 8‰ trong toàn quốc và xuống 12‰ ở các tỉnh năm 2025 có tỷ suất tử vong sơ sinh trên 14‰; Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 10‰ trong toàn quốc và xuống dưới 18‰ ở các tỉnh năm 2025 có tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi trên 19‰; Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 15‰ trong toàn quốc và xuống dưới 27,5‰ ở các tỉnh năm 2025 có tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi trên 29‰.
Tăng cường năng lực hệ thống y tế, nâng cao khả năng tiếp cận trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em bao gồm cả dự phòng và điều trị, ưu tiên những vùng đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Đến năm 2025, tỷ lệ phụ nữ đẻ được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ đạt 95% trong toàn quốc, miền núi đạt 80%.
Đến năm 2030, tỷ lệ phụ nữ đẻ được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ duy trì trên 95% trong toàn quốc, miền núi đạt 85%; Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2.500 gram xuống dưới 7,5%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm đạt 90%; Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đạt trên 95%; Tỷ lệ trẻ từ 0-59 tháng tuổi viêm phổi được điều trị bằng kháng sinh đạt 95%.
Đến năm 2025: 100% các tỉnh/thành phố đưa mục tiêu giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; 80% tỉnh/thành phố có bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu của Chương trình; 90% tỉnh/thành phố triển khai thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản về dự phòng và chăm sóc, nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em; 100% các tỉnh có chính sách thu hút cán bộ chuyên ngành sản/nhi về công tác tại y tế cơ sở, đặc biệt tại các vùng miền núi khó khăn;
Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai can thiệp Chương trình tại 12 tỉnh miền núi khó khăn và có tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cao bao gồm: Lai Châu, Kon Tum, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Trị, Lào Cai, Yên Bái, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Cao Bằng và Sơn La; Năm 2025 sẽ tiến hành đánh giá để xem xét nhân rộng cho giai đoạn sau.
Xây dựng cập nhật các quy định, chính sách tăng cường chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em; ban hành các tài liệu, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi.
Xây dựng tiêu chí về nhân lực sản/nhi theo dân số/giường bệnh và chính sách thu hút cán bộ y tế lĩnh vực Sản Nhi cho các tỉnh miền núi; Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng Dẫn Phòng Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Cho Trẻ Khi Giao Mùa | SKĐS