>>> Đọc bài 1 TẠI ĐÂY

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 1.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 2.

Như đã thông tin về "công cuộc" học ngành y – dược một cách "thần kỳ" ở bài viết trước, Báo Sức khỏe & Đời sống tiếp tục gửi tới độc giả và cơ quan chức năng câu chuyện khó tin đằng sau tấm bằng cao đẳng chính quy do một tài xế xe ôm thi hộ mà có được.

Trong vai là người có nhu cầu bằng cao đẳng y - dược để để làm trình dược viên, dược sỹ…, chúng tôi được cán bộ tuyển sinh của Trường Cao đẳng Dược Hà Nội (trụ sở chính tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) hẹn gặp tại phòng đào tạo của một trường cao đẳng y - dược ở Hà Nội để tiếp nhận hồ sơ mà không cần phải thi hay xét tuyển đầu vào.

Theo lời những người này, sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo bàn giao chức năng quản lý hệ thống trường cao đẳng y - dược về Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội thì công tác tuyển dụng giữa các trường có sự "liên kết mật thiết" và dễ dàng linh hoạt chuyển hồ sơ từ trường này sang trường khác nếu học viên muốn tốt nghiệp, có bằng sớm.

Biết chúng tôi có nhu cầu cần bằng y - dược để mở quầy thuốc, cán bộ tuyển sinh nói: "Nhà trường sẽ cho các anh đăng ký tham gia khoá đào tạo chính quy của Cao đẳng Dược Hà Nội. Bây giờ các anh cứ nộp trước 1 kỳ học phí là 7.000.000 đồng rồi hôm sau chuyển hồ sơ sang cho trường, có trong danh sách lớp luôn". Thấy phóng viên bảo không mang đủ tiền, người này nói: "Thế các anh có bao nhiêu nộp trước bấy nhiêu cũng được, gọi là "đặt cọc, giữ chỗ" chứ không ít nữa là hết lốt".

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 3.

Người phụ nữ tên H.T. giới thiệu là giáo viên chủ nhiệm của một lớp đào tạo thuộc trường Cao đẳng Dược Hà Nội phát giấy thi, đề tài, đáp án cho học viên mang về nhà chép rồi nộp lại.

Do vẫn còn băn khoăn nên chúng tôi xin phép về suy nghĩ thêm và trả lời lại. Liên tiếp những ngày sau đó, cán bộ tuyển sinh này liên tục gọi điện giục và cuối cùng đề nghị: "Bây giờ các anh chuyển khoản nộp trước 2.000.000 đồng, chúng tôi bổ sung cho vào lớp đang học sắp xong kỳ 1 luôn, ít hôm nữa đến lấy đề bài và đáp án các môn về chép, đỡ mất nửa năm học…".

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 4.

Với những học viên không phải đến trường phải nộp thêm 150.000 đồng/môn.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 5.

Nữ cán bộ tuyển dụng tên L.L thu thêm tiền học phí để chuyển học viên từ trường Cao đẳng Dược Hà Nội sang trường mới được cho là Cao đẳng Y tế Phú Thọ (!!!) với mục đích được thi tốt nghiệp và cấp bằng sớm.

Vậy là chưa biết mặt mũi cô giáo, lớp học thế nào nhưng sau khi nộp tiền nhóm phóng viên chúng tôi đã có tên trong danh sách lớp học của Trường Cao đẳng Dược Hà Nội chuẩn bị hoàn thành kỳ học thứ nhất.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 6.

Hôm sau chúng tôi lại được hẹn đến một trường đào tạo về y - dược khác ở Hà Nội để trao đổi về khoá học của Trường Cao đẳng Dược Hà Nội.

"Hồ sơ đăng ký của các anh đủ rồi, bây giờ các anh đóng phí 150.000 đồng/môn học để được phát bài về nhà làm do các anh tham gia đào tạo. Kỳ đầu tiên của Trường Cao đẳng Dược Hà Nội có 7 môn, mỗi người đóng 1.050.000 đồng tiền bài thi và học phí kỳ 2 là 7.000.000 đồng", nói xong người này đưa cho chúng tôi giấy thi, đề thi và đáp án của 7 môn thi kết thúc của học kỳ 1 để mang về nhà chép.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 7.

Dù chuyên ngành đào tạo liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ con người nhưng học viên không cần phải đến lớp mà đợi cuối kỳ chép bài ở nhà và nộp.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 8.

Thậm chí nhiều môn chép bừa vẫn đạt điểm cao.

"Kỳ 2 chuyên ngành nhiều môn và sẽ phải nộp nhiều tiền hơn nhé. Các anh thế là sướng, chẳng phải học hành gì cứ hết kỳ đến lấy đề thi, đáp án về chép là xong", giáo viên tên H.T. nói thêm.

Sau khi mang 7 đề thi và đáp án về, chúng tôi thử chép bài bằng các nét chữ, màu mực khác nhau, thậm chí làm bừa các môn: Giải phẫu sinh lý; Sinh học và di truyền; Tâm lý – Y đức… sau đó nộp lại cho nhà trường. Kỳ lạ là, tất cả bài thi nói trên đều đạt điểm từ cao đến rất cao!.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 9.

Bí mật "động trời" đằng sau tấm bằng cao đẳng chính quy ngành dược không qua đào tạo.

Khoảng vài tháng sau, một cán bộ tuyển dụng tên L.L. hẹn gặp chúng tôi và bảo: "Nếu các anh học đúng lộ trình như bây giờ thì mất gần 2 năm nữa mới có bằng, còn thích nhanh lấy bằng sớm mà hành nghề thuốc thì chúng tôi chuyển hồ sơ sang trường khác được cho là Cao đẳng Y tế Phú Thọ (trụ sở tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), chuẩn bị thi tốt nghiệp rồi. Nhưng anh phải đóng thêm 4 kỳ học phí là 28 triệu đồng".

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 10.

Các phiếu thu của trường Cao đẳng Dược Hà Nội với học viên không cần đi học.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 11.

Phiếu thu học phí toàn khoá ghi tên Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ với học viên không cần đi học.

Người này cũng cho chúng tôi xem phiếu thu, rất nhiều học viên đã đóng thêm 4 kỳ học phí để chuyển từ trường này sang trường khác chuẩn bị thi tốt nghiệp, vừa nhanh, vừa không phải học hành gì.

Hôm sau, chúng tôi nhận được phiếu thu học phí ghi Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và nằm trong danh sách học viên đã trải qua 4 kỳ học đào tạo, đủ điều kiện thi tốt nghiệp mà chưa từng đến trường hay đi học một ngày nào. Thậm chí những điều kiện được đánh giá vô cùng quan trọng trong đào tạo ngành y - dược như Thực hành Nhà thuốc; Thực tập Tốt nghiệp cũng không ai phải tham gia.

Trong khi nhóm phóng viên đã được chuyển sang "chốn mới" được cho là Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ để chuẩn thị thi tốt nghiệp sớm thì cô P.T.T.H, giảng viên của lớp chúng tôi đăng ký học trước đó bên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội thấy một số người chưa nộp học phí các kỳ tiếp theo thì liên tục gọi điện, nhắn tin nhắc: "Các em nộp học phí và liên hệ sớm với cô để lấy bài thi hết môn, nộp bổ sung và làm báo cáo thực tập tốt nghiệp nhé".

Gần nửa năm sau, chúng tôi cùng nhiều học viên khác trong diện "đặc cách" không phải đi học nhận được thông báo sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp được cho là của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ. Tuy nhiên do đang đi công tác nên một người trong nhóm phóng viên trả lời "không kịp về tham gia kỳ thi". Lúc này, người giới thiệu là giáo viên chủ nhiệm cùng cán bộ tuyển dụng tiếp nhận hồ sơ trước đó của chúng tôi gọi điện nói rằng: "Anh nhờ người đến trường làm thủ tục và đi thi hộ, Hội đồng sẽ tạo điều kiện". Bí quá, phóng viên đành nhờ 1 bạn xe ôm thường đứng ở cổng toà soạn đi thi tốt nghiệp thay.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 12.

Bảng điểm toàn khoá của trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cấp cho học viên không qua đào tạo.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 13.

Giấy chứng nhận Tốt nghiệp trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cấp cho học viên không qua đào tạo.

Dù không có giấy tờ gì và quá lạ lẫm với đề thi tốt nghiệp được cho là của trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, thế nhưng bạn xe ôm này vẫn hoàn thành gần 10 môn thi trong cùng 1 ngày do được phát đáp án để chép. Thậm chí với môn trắc nghiệm là Tin học ứng dụng, giám thị còn đọc đáp án cho thí sinh làm bài.

13 tháng sau, chúng tôi bất ngờ khi nhận được bảng điểm toàn khoá, giấy chứng nhận tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp Cao đẳng Danh hiệu Cử nhân Thực hành, hình thức đào tạo: Chính quy của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lê Quý Đôn ở tận TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai (cơ quan chủ quản là Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) – ngôi trường rất nhiều học viên chưa từng biết hay đặt chân đến.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 14.

Bằng tốt nghiệp Cao đẳng Danh hiệu Cử nhân Thực hành, hình thức đào tạo: Chính quy của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cấp cho học viên không qua đào tạo.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 16.

Trụ sở chính Trường Cao đẳng Dược Hà Nội ở Văn Lâm – Hưng Yên.

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 17.

Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn đóng tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, những học viên khác họ không quan tâm điều này, vì họ không phải đi học, không qua đào tạo lẫn thực hành mà vẫn được nhận tấm bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng chính quy ngành y - dược để hành nghề. Nhiều người mà chúng tôi biết trong số đó sau khi nhận bằng tốt nghiệp đã đi làm trình dược viên hoặc mở hiệu thuốc ở huyện Thanh Trì, Thạch Thất, Quốc Oai (TP Hà Nội) và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Tìm đủ cách “vợt” học viên, cả khoá đào tạo không cần đến lớp - Ảnh 18.

Với bằng cao đẳng y - dược sau khi đăng ký xin Sở Y tế cấp chứng chỉ sẽ được phụ trách chuyên môn, mở quầy thuốc ở các huyện thuộc TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Chị Lê Việt Anh, nhân viên kinh doanh ngành thuốc cho biết, trước đây đào tạo ngành y - dược từ hệ trung cấp đến cao đẳng, đại học rất nghiêm ngặt, học viên phải điểm danh hàng ngày, đạt đủ số buổi theo quy định và thi kết thúc môn. Do liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người nên ngành này chú trọng việc thực hành, sinh viên thường xuyên phải đi thực tế, nghiên cứu bào chế, hoạt chất thuốc. Nhiều môn học, sinh viên sẽ phải làm thực hành ở phòng thí nghiệm hoặc đi thực tập ở các bệnh viện.

"Trước đây tôi học hệ trung cấp y - dược mất 3 năm, sau này hệ trung cấp hạ xuống thời gian 2 năm rồi 1,5 năm. Sau này hệ cao đẳng đào tạo y - dược cũng giảm xuống từ 3 năm còn 2 năm nên chất lượng kém đi rất nhiều. Thậm chí nhiều người học qua loa lấy bằng cao đẳng sau đó liên thông lên đại học để hành nghề", chị Việt Anh nói.

"Coi như bỏ ra khoảng 40-50 triệu mua 1 cái bằng cao đẳng y - dược để về mở quầy thuốc, đỡ phải thuê bằng như trước đây mà không phải học hành gì", anh N.V.G., một người không đi học nhưng vừa thi tốt nghiệp và được Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cấp bằng chia sẻ.

Báo Sức khoẻ & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thực hiện: Nhóm phóng viên

Đồ họa: Tuấn Tuấn

 

Ý kiến của bạn