Hà Nội

Tìm đâu lời quan họ cho thiếu nhi?

09-07-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo tồn dân ca quan họ là truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, việc tìm lời ca cho những làn điệu phù hợp với lứa tuổi của các em đang gặp khó khăn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo tồn dân ca quan họ là truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, việc tìm lời ca cho những làn điệu phù hợp với lứa tuổi của các em đang gặp khó khăn.

Tìm bột để gột nên hồ

Từ năm 2009, Công ty cổ phần BAGICO phối hợp cùng ngành văn hóa và ngành giáo dục huyện Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức hội thi hát quan họ “Em yêu làn điệu dân ca” vào dịp hè hằng năm. Hoạt động này thu hút được nhiều thiếu nhi tham gia, qua đó tạo sân chơi lành mạnh, góp phần bảo tồn dân ca quan họ. Tuy nhiên, điều mà ngành văn hóa, đơn vị tài trợ, phụ huynh học sinh và ban giám khảo cuộc thi không khỏi băn khoăn vì nhiều em còn nhỏ phải thể hiện những làn điệu dân ca cổ vừa khó lại không phù hợp với lứa tuổi.

Một tiết mục của thiếu nhi Bắc Giang biểu diễn quan họ.

Một tiết mục của thiếu nhi Bắc Giang biểu diễn quan họ.

Từng nhiều lần được mời đến các lớp truyền dạy quan họ cho thiếu nhi, liền anh Phú Hiệp ở Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) chia sẻ: Ở độ tuổi thiếu nhi, để hiểu và cảm thụ quan họ cổ là rất khó, bởi ca từ thường giàu tính ẩn dụ của dân gian, các điển tích và thuật ngữ Hán - Việt, hơn nữa trên 80% các bài quan họ là lối hát giao duyên của tình yêu đôi lứa. Trong khi đó, việc truyền dạy bao giờ cũng coi trọng quan họ cổ, nếu có lời mới cho thiếu nhi thì đòi hỏi ngôn từ trong sáng, gần gũi, giản dị và giàu ý nghĩa với lứa tuổi. Tuy nhiên, các sáng tác dành cho thiếu nhi không nhiều, những bài hát hay thì càng hiếm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác truyền dạy quan họ cho lớp trẻ.

Cần những sáng tác mới

Ông Đào Trọng Ca, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Việt Yên cho biết: Từ khi dân ca quan họ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ có người già mà thanh, thiếu niên, nhi đồng ở Việt Yên (nơi có nhiều làng quan họ nhất tỉnh) biết quý trọng, yêu mến những làn điệu dân ca truyền thống. Qua học hát, các em không những được rèn luyện về ca từ, kỹ năng nhấn nhá, luyến láy, lấy hơi, nhả âm... mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử của người quan họ. Nhằm đẩy mạnh việc truyền dạy hát dân ca quan họ cho học sinh, năm 2013 Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện đã biên soạn tài liệu những bài hát dân ca quan họ phù hợp với lứa tuổi các em (bao gồm lời cổ và lời mới). Tại hội hát dân ca cấp huyện tại chùa Bổ Đà hằng năm, Ban tổ chức khuyến khích và thưởng cho thiếu nhi hát những bài có lời mới hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên thực tế số lượng không nhiều và bài hay càng ít. Ông Ca cũng cho hay, việc đặt lời mới cho quan họ phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ vô tình làm mất bản sắc của quan họ, do vậy vấn đề đặt ra là cần sự chuyên nghiệp trong việc đặt lời mới.

Theo ông Phạm Hoàng Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang): Quan họ cổ được truyền miệng trong dân gian và vốn không dành cho thiếu nhi. Sau này để đáp ứng nhu cầu truyền dạy cho nhiều đối tượng, trên nền các giai điệu cổ đó, người dân đã phát triển thành những bài có lời mới ca ngợi quê hương đất nước, lao động sản xuất... Hiện nay một số làng vẫn có người sáng tác quan họ lời mới nhưng chất lượng chưa cao nên các tác phẩm khó “sống” được chứ chưa nói hấp dẫn trẻ em. Để phát triển mạnh hơn phong trào hát dân ca quan họ trong lớp trẻ, ngoài việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tổ chức hội thi, hội diễn, giao lưu hát dân ca quan họ dành cho thiếu nhi thì về lâu dài cần xây dựng kế hoạch, quan tâm đến chất lượng tại các trại sáng tác văn học nghệ thuật hằng năm của tỉnh. Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác cho đội ngũ nghệ nhân đang hằng ngày sống cùng di sản văn hóa quan họ ở các làng.             

 Nguyễn Hưởng

 


Ý kiến của bạn