Tìm đâu được rau sạch

28-06-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Bữa ăn đang bị đầu độc - nhiều người đã thốt lên như thế khi mà ngày càng khó quản lý rau xanh.

Bữa ăn đang bị đầu độc - nhiều người đã thốt lên như thế khi mà ngày càng khó quản lý rau xanh. Ngay từ khâu sản xuất, người dân vẫn mạnh ai nấy làm, phun thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bất chấp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, hệ thống hợp tác xã trồng rau sạch không đủ sức mạnh để tìm nguồn phân phối ra thị trường.

“Tắm” thuốc trừ sâu cho rau

Biết bao câu chuyện hài xung quanh vấn đề lựa chọn rau sạch được nêu lên. Nào là có người bán đã thủ sẵn một hộp sâu bò ngọ nguậy ở phía sau, khi có khách hỏi mua thì khéo léo ném con sâu vào mớ rau, để chứng tỏ: rau có sâu là rau không phun thuốc sâu. Rồi khách mua xong, người bán liền... xin lại con sâu. Gặp không ít người tiêu dùng ngoài chợ, họ đã xác nhận điều này. Chị Hoàng Thị Uyên ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết: “Rau kém chất lượng, kém an toàn đang được bày bán tràn lan từ siêu thị đến những khu chợ cóc. Bằng mắt thường chẳng thể phân biệt được rau an toàn và không, do vậy người dân chúng tôi chỉ còn biết phó mặc cho ý trời. Sợ, nhưng không thể không mua ăn”.

Rất khó kiểm định chất lượng rau trên thị trường...

Nỗi lo lắng của chị Uyên, cũng như hàng vạn người tiêu dùng khác là có cơ sở. Khi tôi đi tìm hiểu ở những vùng trồng rau, chẳng khó để tìm cảnh người nông dân vừa mới phun thuốc trừ sâu cho rau đã hái đem bán. Cũng thật dễ dàng tìm thấy những khoảnh rau các hộ trồng riêng để ăn thì không phun kích thích, không dùng thuốc sâu hoặc nếu có phun cũng chờ đúng ngày cho phép mới ăn. Còn những thửa rau để bán, luôn được “tắm” thuốc kích thích và thuốc trừ sâu. Một buổi chiều, trên thửa ruộng trồng cà (cà muối) ở xã Minh Tân (Phú Xuyên, Hà Nội), hộ bà Nghiêm Thị Xuân hái quả đem bán. Đáng nói là nó chỉ mới được phun thuốc từ sáng, mùi thuốc còn ám nặng. Hỏi vì sao bác vừa phun đã hái quả bán? Bà Xuân cười: “Sâu nó ác lắm, mình không phun thì không được ăn. Chỉ cần lơ đi là sâu nó đục hết ruột. Mà để mấy ngày nhạt thuốc thì cà già, không ai mua”. Tôi hỏi lại: “Nhưng như vậy ảnh hưởng đến người tiêu dùng, bác biết không?”. Bà Xuân trả lời: “Biết vậy nhưng không làm thì không có thu nhập, tôi sống làm sao. Đành phải phun!”

Lời giải thích của bà Xuân cũng là lời giải thích của bà Đỗ Thị Thoan ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Chúng tôi được biết, bà Thoan vừa mới phun thuốc Toplaz 70W cho đỗ tây leo buổi sáng thì chiều bà đã vô tư hái bán. Hỏi thì bà bảo, bà chỉ phun loại thuốc không độc, có tác dụng đuổi bướm, vừa phun xong là có thể ăn được ngay. Thế nhưng trên hướng dẫn sử dụng, thuốc Toplaz 70W nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật, phải sau 7-14 ngày mới được thu hoạch. Tìm hiểu ở hầu hết các hộ dân trồng cà, các loại đỗ, thời gian thu hoạch là hai ngày một lần. Trong khi đó, đây là hai loại quả nhiều sâu đục ruột, chóng già nên người nông dân phải thường xuyên phun để bảo vệ mẫu mã.

Hình ảnh tương tự xảy ra phổ biến ở các ngôi làng trồng rau, đặc biệt là những nơi trồng tự phát. Nhìn vào khối lượng hóa chất bảo vệ thực vật được nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay gấp 10 lần so với mấy chục năm trước, cho thấy tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn, kéo theo đó là sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ phun thuốc trừ sâu, nhiều hộ dân cũng lạm dụng thuốc kích thích. Nhỏ thì kích thích rễ, lớn thì kích thích lá. Bởi thế có những loại rau được phun kích thích, một ngày phát triển dài ra đến nửa gang tay, lá bóng mượt. Trò chuyện với những người trồng rau muống ở xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì - Hà Nội), chúng tôi được biết, đa số người dân đi chợ thích mua rau hình thức đẹp. Không ít người trồng rau chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà bỏ qua hậu quả mà người khác sẽ phải gánh chịu khi ăn các loại rau mã đẹp nhưng nhiễm thuốc trừ sâu.

...Vừa phun thuốc đã hái rau bán.

Không thể trông chờ người trồng

Từ những cung đường khác nhau, mỗi ngày, hàng trăm tấn rau từ các địa phương, các hợp tác xã (HTX) rau đổ về Hà Nội. Bao nhiêu phần trăm số đó là sau sạch? Bao nhiêu phần trăm số sau rạch dán nhãn là sạch thật sự? Các cơ quan chức năng không trả lời được, người tiêu dùng càng bó tay. Một số thì cảm tính, dùng mắt thường để phân biệt rau an toàn và không an toàn. Số chị em khác đi chợ, được hỏi thì thốt lên: “Lẫn lộn cả, chẳng biết tin loại rau nào. Thôi đành trông chờ vào đạo đức của người trồng rau vậy”. Câu trả lời đầy bất lực ấy cho thấy người tiêu dùng hoang mang, phó mặc bữa ăn của gia đình cho người trồng rau và vận may. Cứ ra chợ thì biết, người mua nâng lên đặt xuống, tính toán nên mua loại rau gì cho an toàn nhất. Họ cần rau sạch biết bao nhiêu. Nhiều người dân ở các HTX rau, các vùng sản xuất rau cũng muốn làm rau sạch bán ra thị trường. Vậy mà vì sao họ vẫn chưa gặp được nhau? Vì sao người trồng rau thả nổi chính sản phẩm của mình, còn người tiêu dùng thì hoang mang không biết tìm đâu để được thưởng thức rau an toàn?

Gặp gỡ bà con nông dân HTX rau Yên Mỹ (Thanh Trì - Hà Nội), chúng tôi nhận được những tiếng thở dài và phần nào trả lời được câu hỏi ấy. Bà con cho biết, họ muốn sản xuất rau an toàn, nhưng do khó khăn đầu ra, được mùa thì giá rẻ, lại phải tự tiêu thụ, nên không ít hộ chẳng hào hứng. Ông Nguyễn Văn Sơn, xóm 8, xã Yên Mỹ, cho biết: “Bà con HTX chúng tôi không có chợ tiêu thụ của xã, hạn chế mối tiêu thụ, hàng làm ra thì không lưu kho được, nên rau sạch mà phải mang đi bán rong ở các ngõ ngách, các vỉa hè Hà Nội. Rau của chúng tôi sạch, nhưng bị coi là rau trôi nổi, không an toàn. Chỉ như thế thôi đã khiến bà con mệt mỏi”.

Chung nỗi lo lắng với người dân, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ tâm sự: “Mong muốn của bà con là sản xuất rau sạch ổn định. Ấy thế nhưng do giá cả phập phù, việc lưu thông khó khăn nhiều năm nay nên gây áp lực cho bà con. Thêm nữa, người tiêu dùng hoài nghi khiến bà con rất khó bán hàng”.

Việc tổ chức kém hiệu quả hệ thống bán lẻ mặt hàng rau, cộng với việc tổ chức đầu ra cho các HTX rau kém hiệu quả, là một trong những nguyên nhân chặt đứt đường cung cấp rau sạch cho thị trường. Cùng với đó, việc nhà nhà trồng rau, không được quy hoạch, nhiều hộ dân trồng lẻ, tự tiêu thụ... đã góp phần làm thị trường rau bị nhộn nhạo. Trước thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nêu quan điểm: “Phải nhanh chóng cải thiện hệ thống bán lẻ. Từ hệ thống phân phối đến cách tổ chức thu mua. Có như vậy người trồng rau sạch mới có cơ hội đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng”. Là người quan tâm đến vấn đề này, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, không thể để tình trạng này diễn ra mãi. Bữa cơm của người dân có an toàn hay không là thể hiện chất lượng sống. Người dân có quyền thưởng thức bữa cơm an toàn, chứ không phải chịu đựng nỗi lo lắng như suốt những năm qua. Bởi vậy, rất cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng. 

Bài và ảnh Hải Miên

 

 


Ý kiến của bạn