Rút kinh nghiệm sai sót chuyên môn và tìm ra những nguyên nhân khiến bệnh nhân chuyển lên tuyến trên để đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giữ chân bệnh nhân. Đây là những nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác chỉ đạo tuyến chuyển tuyến 6 tháng đầu năm 2014 do Sở Y tế Sơn La phối hợp với Tổ chức JICA tổ chức tại Mộc Châu ngày 15/7.
Trong những năm trở lại đây, BVĐK Tỉnh Sơn La đã được đầu tư trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai và ứng dụng thành công tại BV như phẫu thuật nội soi, thận nhân tạo, chăm sóc sơ sinh, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật sọ não….Mặc dù vậy, có lượng không nhỏ bệnh nhân chuyển lên tuyến điều trị gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và gây khó khăn cho chính bệnh nhân
BSCK II Cầm Thị Hương, PGĐ BV Đa khoa tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, trung bình mỗi tháng có hơn 200 bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Trong đó 10 nhóm bệnh mà bệnh nhân chuyển lên tuyến trên là Ung thư, các bệnh về mắt, suy thận mãn, bệnh về máu, bệnh vàng da sơ sinh, sinh non suy hô hấp, bệnh lý nội tiết, suy tuyến giáp, bệnh tim mạch, thoát vị đĩa đệm, ….Những có đông bệnh nhân chuyển đến là BV Bạch Mai, BV Nhi TW, BV K, BV Việt Đức, Viện Huyết học Truyền máu TW, BV Nội Tiết TW, BV Tai Mũi Họng TW…. Còn tại BV tỉnh, trong thời gian qua đã tiếp nhận: 820 ca bệnh lý về nhi, hơn 500 bệnh nhân liên quan đến chuyên ngành sản khoa,….từ các bệnh viện huyện chuyển lên.
Việc chuyển tuyến không đúng gây thiệt thòi cho người bệnh cũng như gây không ít khó khăn cho các cán bộ y tế. BS Trần Minh Quân, khoa Truyền Nhiễm, BV ĐK tỉnh Sơn La cho biết, lý do bệnh nhân chuyển tuyến là vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới, thiếu nhân lực, thiếu các trang thiết bị, thiếu xét nghiệm chẩn đoán, thiếu thuốc điều trị đặc hiệu và do áp lực từ phía bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Tuy nhiên, khi chuyển tuyến, nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng nhưng giấy chuyển viện của tuyến trước lại mô tả quá ngắn gọn, thiếu các thông tin các thông tin cần thiết cho quá trình điều trị. Cán bộ hộ tống bệnh nhân không nắm được quá trình diễn biến bệnh và quá trình điều trị của bệnh nhân. Mặt khác, đã có một số cán bộ y tế đã phê phán đồng nghiệp của mình trước mặt bệnh nhân và nhà bệnh nhân, gây sự tự ti và ái ngại trong công tác chia sẻ thông tin. Do đó BS Quân cho rằng, cán bộ hộ tống phải nắm rõ quá trình điều trị bệnh nhân, phải có số của bác sỹ điều trị để trao đổi thông tin.Giấy chuyển viện cần ghi cụ thể quá trình diễn biến bệnh và các loại thuốc đã dùng. Các bệnh nhân chuyển tuyến phải được khoa Khám bệnh, các khoa Lâm sàng, Cận Lâm sàng của đơn vị tiếp nhận ưu tiên đón tiếp.
Theo BS Nguyễn Trung Khải Giám đốc BVĐK Mộc Châu cho rằng, công tác chuyển tuyến rất quan trọng nên cần hiểu đúng, hiểu trúng. Không phải chuyển và giữ bệnh nhân lại đều tốt mà cần phải sàng lọc bệnh nhân tốt để chuyển tuyến đúng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo BS Khải hầu hết bệnh nhân đều muốn điều trị ở tuyến cơ sở. Do đó, phải đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và công tác cấp cứu kịp thời. Mỗi chuyên khoa có 1-2 BS được đào tạo sâu, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt đầu ngành, không nên dấu dốt và ngần ngại hỏi tuyến trên để hạn chế thiệt thòi cho người bệnh. Ngoài chuyên môn, cán bộ y tế phải tuyên truyền, giải thích cho bệnh nhân và quan tâm đến tình trạng sức khỏe bệnh nhân chuyển tuyến.
BSCK II Phạm Quang Phước, Phó Giám đốc SYT Sơn La khẳng định, cấn có thông tin đầy đủ về người bệnh giữa các BV; Biểu mẫu thống kê báo cáo cần thống nhất; cần xây dựng phần mềm ghi nhận thông tin người bệnh chuyển tuyến. Các bệnh viện tuyến tỉnh cần tiếp tục nâng cao công tác chuyên môn và hỗ trợ tuyến dưới để hạn chế thấp nhất bệnh nhân chuyển tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, trong thời gian qua, không ít bệnh viện tuyến lơ là công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới. Do đó Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh là cơ sở pháp lý để các bệnh viện thực hiện tốt công tác chuyển tuyến và hỗ trợ điều trị. Theo ThS Thái, Sơn La có nhiều huyện khó khăn, địa hình xa xôi, nên cần phát triển các dịch vụ y tế, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chỉ đạo tuyến để người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế cao tại chính quê hương mình.
Lê Hoàng