Sự trở lại này xuất phát từ cam kết bất ngờ của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm khôi phục ứng dụng trước lễ nhậm chức, đánh dấu một bước ngoặt mới trong hành trình đầy thách thức của TikTok tại Mỹ.
Tối ngày 18/1, TikTok bất ngờ ngừng hoạt động tại Mỹ, không thể truy cập và biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google Play. Những ai cố gắng mở ứng dụng nhận được thông báo rằng TikTok đã "ngoại tuyến" do luật cấm được ban hành. Bên cạnh đó, các ứng dụng khác của ByteDance như Lemon8 và CapCut cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chỉ trong sáng 19/1, Tổng thống Trump thông báo sẽ ký sắc lệnh hành pháp sau lễ nhậm chức vào 20/1, nhằm hoãn thi hành luật cấm TikTok để đạt được thỏa thuận đảm bảo an ninh quốc gia. Ngay sau tuyên bố này, dịch vụ TikTok đã được khôi phục, cho phép 170 triệu người dùng tại Mỹ truy cập trở lại.
TikTok chào đón sự trở lại bằng thông báo cảm ơn người dùng vì sự kiên nhẫn và nhấn mạnh vai trò của Tổng thống đắc cử Trump trong việc tạo điều kiện phục hồi ứng dụng. Trong tuyên bố chính thức, TikTok cho biết: "Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Trump đã cung cấp sự rõ ràng và đảm bảo cần thiết để các đối tác công nghệ của chúng tôi tiếp tục hỗ trợ dịch vụ mà không chịu bất kỳ hình phạt nào. TikTok cam kết làm việc với chính phủ để tìm ra giải pháp lâu dài, đảm bảo ứng dụng có thể tiếp tục phục vụ cộng đồng Mỹ".
Tương lai của TikTok tại Mỹ vẫn còn nhiều thách thức. Luật cấm TikTok, được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận lưỡng đảng, yêu cầu ByteDance phải bán ứng dụng cho một công ty Mỹ hoặc đồng minh, hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm hoàn toàn.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết, ông đang cân nhắc gia hạn thêm 90 ngày để thương lượng thỏa thuận, đồng thời đề xuất mô hình liên doanh mà trong đó Mỹ sẽ nắm giữ 50% cổ phần của TikTok.
Dù vậy, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ một số chính trị gia trong đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Pete Ricketts, những người nhấn mạnh rằng TikTok chỉ được phép tiếp tục hoạt động nếu hoàn toàn tách khỏi ByteDance và Trung Quốc. Cả 2 khẳng định rằng đây là cách duy nhất để bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người dân Mỹ.
Để đáp ứng yêu cầu của luật pháp, ByteDance có thể phải bán TikTok cho một bên mua tiềm năng. Một số nhóm đầu tư, bao gồm liên doanh của tỷ phú Frank McCourt và Kevin O'Leary, đã thể hiện sự quan tâm. Thế nhưng, ByteDance lâu nay luôn từ chối ý định bán ứng dụng, vì thuật toán độc quyền làm nên sức mạnh của TikTok rất khó định giá và không thể thay thế.