Đa số người Việt suy nghĩ đơn giản: Cứ đi Tây là sướng, cứ người Tây là giàu. Và khi gia đình nào có người sống ở Tây, thì đương nhiên là phải có trách nhiệm gửi tiền về trợ giúp gia đình. Nhưng cuộc sống thực tế ở bên Tây không đơn giản chỉ là thu nhập cao, chất lượng sống cao và phúc lợi xã hội tốt, chăm sóc y tế đỉnh cao..., mà kèm theo đó là những đòi hỏi sự cống hiến sức lao động, những đóng góp của mỗi cá nhân cho cộng đồng cũng rất lớn.
Tại Cộng hòa Czech, một quốc gia Trung Âu có tỷ lệ người Việt định cư rất cao, người Việt ở Czech cũng có một số người thành đạt, vươn lên giàu có và được chính quyền nước bản xứ công nhận, có những đóng góp cho sự phát triển của quốc gia này. Nhưng để có được một số ít những cá nhân nổi trội đó, thì đa số người Việt tại Czech đã và đang sống như thế nào?
Qua một thời gian đi lại, tìm hiểu trong cộng đồng người Việt, tôi chú ý đến cụm từ “Việt Nam xù”, hoặc nói tắt là “Xù” để chỉ người Việt tại Czech. Từ “Xù” không chỉ được người Việt dùng để chỉ chính mình, mà còn được người Czech, đặc biệt là cảnh sát tội phạm, cảnh sát thị trường ở Czech và người dân Czech sử dụng để chỉ người Việt tại đây. Tôi cứ băn khoăn, rằng tại sao lại gọi người Việt là “Xù”?
Một cửa hàng quần áo của người Việt ở chợ vải Ostrava tại Czech.
Chạm vào câu hỏi này, người Việt ở Czech ai cũng mỉm cười. Anh Ân, một Việt kiều đã sống tại Czech tới ba thập kỷ, nói rằng, lý do để dân Việt tự gọi người Việt là “Xù” bởi có nhiều người Việt nay đây mai đó, làm ăn bất chợt, cứ thấy bán hàng ở ngoài trời, ở chỗ đó một thời gian rồi lại biến mất. Tại sao biến mất? Do không làm ăn được, do bị “đứt giấy tờ” và khi cảnh sát để mắt đến thì phải nhanh chóng “tàng hình”, xù mất tăm. Người Việt sang Czech, không phải ai cũng đủ điều kiện để định cư hợp pháp, nhiều người chấp nhận cảnh sống bất hợp pháp khi hết hợp đồng lao động với công ty nước sở tại, không chịu về nước mà cố tình ở lại làm ăn. Những người khác ngay khi từ Việt Nam sang Czech đã dùng đường dây làm giấy tờ chui, sang đến nơi cũng chấp nhận cảnh sống chui lủi và làm chui. Do đó, “Xù” là đương nhiên, là thường trực. Mỗi khi gặp việc, thì căng mình ra làm, đầu tắt mặt tối, cố tranh thủ làm được nhiều việc nhất, kéo dài thời gian nhất, tranh thủ kiếm nhiều tiền nhất, để bù vào những lúc bị phát hiện, phải trốn tránh, phải “nằm vùng” một thời gian để kiếm chỗ làm khác. Do đó, những người này chẳng hơi đâu mà nghĩ tới bản thân, chỉ biết đi làm và đi làm, đầu bù tóc rối như tổ quạ. Anh nào anh nấy đầu xù lên. Gọi nhau là Việt Nam “Xù” hàm ý vừa đau khổ, vừa hài hước như vậy đấy.
Người Việt sang đến Czech là hai bàn tay trắng. Không nhà cửa, phải sống ở nhà thuê. Không tiền để dành vì có bao nhiêu tiền đã phải lo chi phí để được tới vùng đất này làm ăn. Không đủ điều kiện làm việc ở công sở của Czech bởi không đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không đủ ngôn ngữ để giao tiếp trao đổi với đồng nghiệp. Thậm chí có người Việt một chữ Czech bẻ đôi không biết cũng lao đầu sang nơi này. Người Việt nhìn thấy người dân bản xứ có việc làm ở công sở, có xe hơi đi làm, có nhà riêng, có cuộc sống được đảm bảo chắc chắn mà thèm. Do đó, áp lực của người Việt rất lớn, phải làm sao để phấn đấu có được một cuộc sống đàng hoàng ở đây, trụ lại nơi này. Họ phải phấn đấu từ KHÔNG tới CÓ. Kịch bản chung là người Việt phải căng mình bán sức lao động, làm những việc chân tay đơn giản để kiếm tiền. Làm việc 8 tiếng ở nơi thuê mình xong thì lại kiếm việc làm thêm. Không có gì cả, chỉ có sức lao động và sự cần cù với quyết tâm lớn là trụ lại nơi này, nên họ phải làm hùng hục suốt ngày dài lại đêm thâu. Ai hơi đâu mà để ý đến hình thức làm gì. Cốt ăn đủ no để có sức khỏe mà làm việc, làm sao mặc đủ ấm để chống lại cái lạnh thấu xương của vùng ôn đới, còn đầu tóc xù lên thì cũng mặc kệ.
Khi đi làm thuê tích được một số vốn nhất định, ước mơ tiếp theo của “Việt Nam Xù” là mở được một cửa hàng riêng. Kể cả khi chưa có đủ tiền thì liều vay lãi cao để mở cửa hàng. Dịch vụ cho vay nặng lãi trong cộng đồng người Việt rất thịnh hành. Dịch vụ cho vay nặng lãi thông thường có mức rất khủng, lãi suất phải từ 3-10% /tháng, tùy theo số tiền vay và thời gian vay. Vay số tiền ít, thời gian vay ngắn thì lãi suất càng cao. Người Việt với nhau nhưng “chặt chém” nhau rất ác. Dù biết ngân hàng Czech chào mức vay rất thấp nhưng hầu hết người Việt không vay, vì không đủ điều kiện để thế chấp đã đành, giấy tờ tùy thân hợp pháp cũng còn nhiều vấn đề, thêm nữa ngân hàng sẽ kiểm tra điều kiện kinh doanh, sẽ yêu cầu nhiều loại giấy tờ, bắt chứng minh nguồn tài chính thu - chi rất phức tạp. Thôi đành vay tiền của người Việt và chấp nhận giơ cổ ra cho người Việt “chém”. Hầu hết người Việt thường mở cửa hàng thực phẩm châu Á, hoặc thực phẩm Âu, mang tên Potraviny (Thực phẩm - tiếng Czech), hoặc MiniMarket. Vì thế, trong một lần tôi đi lang thang ở thành phố Praha, anh họ tôi, một người từng ở Czech hai chục năm, dặn rằng nếu tôi có lạc đường, thì cứ đi trên phố, nhìn thấy cái cửa hàng nào treo biển Potraviny, hoặc MiniMarket thì rẽ vào, kiểu gì cũng tìm được chủ cửa hàng hoặc người bán hàng là người Việt Nam để hỏi đường hoặc nhờ giúp đỡ. Ngoài các cửa hàng thực phẩm, thì người Việt ở Czech còn kinh doanh quán ăn với đồ ăn Việt, có biến tấu cho phù hợp với khẩu vị người Czech. Các cửa hàng bán quần áo giá rẻ, bán hoa quả, hoặc tạp phẩm cũng là một lựa chọn khác của người Việt khi đã có đủ vốn ra mở cửa hàng kinh doanh. Số ít người Việt giàu có thì mở dịch vụ cho vay nặng lãi như đã đề cập ở trên. Số ít khác, giỏi tiếng Czech do từng có thời gian công tác trong Đại sứ quán Việt Nam từ thời trước khi nổ ra “Cách mạng nhung 1989” ở Czech, do tham gia công tác phiên dịch, hoặc đã từng làm việc hay học tập trong trường Czech... thì mở dịch vụ làm giấy tờ, dịch thuê cho chính người Việt tại Czech. Giấy tờ ở đây bao gồm cả giấy phép kinh doanh, định cư, giấy phép lái xe, giấy tờ nhà đất, thuê cửa hàng, bảo hiểm y tế... Những người Việt không biết tiếng Czech, hoặc biết tiếng Czech chỉ vừa đủ để bán hàng, tính tiền ở cửa hàng của mình, không tự tin để giao tiếp với các dịch vụ công của Czech thì thuê dịch vụ của ta. Tại chợ Sapa (chợ của người Việt tại Praha), bạn có thể tìm thấy số lượng kha khá các văn phòng dịch vụ giấy tờ này. Gọi là văn phòng dịch vụ giấy tờ, dịch thuật nhưng bạn muốn dịch vụ gì cũng có, thậm chí có cả dịch vụ đưa phụ nữ đi sinh con hoặc hút điều hòa kinh nguyệt... Những ông “Việt Nam Xù” tiếng tăm không khá, khi vợ dính bầu, phần vì mình còn phải trông cửa hàng không nghỉ được, phần vì không tự tin với vốn tiếng Czech ít ỏi của mình, nên phải thuê dịch vụ đưa vợ mình đi khám thai, đi đẻ hoặc đi kế hoạch hóa gia đình nếu không muốn có thêm con.
Một phụ nữ Việt bán hàng ngoài trời ở Czech.
Phải tranh thủ tối đa để kiếm tiền, phụ nữ và người vợ Việt kiều tại Czech phải bỏ qua tất cả mọi cảm xúc, hay những đòi hỏi thường nhật và ưu tiên cho việc kiếm tiền. Phụ nữ cũng phải làm việc hùng hục 16 tiếng mỗi ngày, cũng phải mang vác những thùng hàng nặng tới cả tạ dù đau gãy sống lưng. Phải lái xe tải đi lấy hàng một mình, tự chất hàng lên xe rồi tự lấy hàng xuống khi về đến cửa hàng của mình. Đừng bao giờ nghĩ tới Ngày Phụ nữ mà đòi chồng tặng quà. Đừng bao giờ mơ những giấc mơ lãng mạn. Cuối tuần thì ngồi đếm tiền, tính toán lỗ lãi chứ chẳng bao giờ mở được mắt ra mà đi coi xem đất nước Czech dài rộng, đẹp đẽ ra sao. Cũng chẳng có chút thời gian rảnh nào để mà tủi thân rơi nước mắt hay trách móc ai. Chỉ nghĩ tới tiền thôi. Đó là tâm lý và cuộc sống của hầu hết phụ nữ Việt ở Czech. Vì thế, đầu tóc họ cũng xù lên hơn cả đàn ông. Lan Thanh, một phụ nữ Việt tại Czech, có chồng và hai con tại đây, hai vợ chồng mỗi người làm chủ một cửa hàng thực phẩm, kể rằng, cô còn không có thời gian để cắt móng chân, móng tay nữa kia. Móng chân móng tay dài ra như vượn cũng kệ. Mỗi khi xong việc ở cửa hàng về tới nhà, ăn uống xong là mười hai giờ đêm, lăn ngay lên giường ngủ như chết rồi. Thời gian đâu mà ngó xuống xem móng chân dài thế nào. Thậm chí, có tiền cũng chẳng có thời gian mà tiêu tiền nữa. Chẳng lẽ lại tiêu tiền lúc 12 giờ đêm? Sáng sớm hôm sau vừa ngủ dậy, làm cốc cà phê sữa cho tỉnh táo, chẳng kịp chải đầu, nhìn qua gương một cái, cứ thế là đi như chạy ra xe, đánh xe đi lấy hàng. Đầu xù cũng mặc kệ, mình còn chẳng thèm ngắm mình thì cần gì ai ngắm mình. Chỉ cần làm việc, làm việc và làm việc thôi, để có thể trụ lại nơi này.
Trụ lại nơi này rồi thì sẽ thế nào? Không ai trả lời chính xác được mục đích tiếp theo của mình. Nhưng cái vòng xoáy làm việc như điên đến quên bản thân ấy tiếp tục cuốn họ đi. Đã mang tiếng “Xù” thì xù luôn cho trọn vẹn!