Tuổi 40. Ngoài một số tập truyện ngắn và ký, 7 cuốn tiểu thuyết dày dặn phần lớn được bạn đọc chú ý là Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp, Phiên bản, Kín, Hoang tâm và Xác phàm, Nguyễn Đình Tú thực sự là nhà tiểu thuyết xuất sắc không nhiều lắm ở nước ta. Trong suy nghĩ của tôi, đến Xác phàm, Nguyễn Đình Tú đã định hình vững chắc bút pháp tiểu thuyết của mình. Tạm gọi đó là bút pháp hiện thực huyền ảo Nguyễn Đình Tú.
Đọc kỹ tiểu thuyết thứ 7 này của Nguyễn Đình Tú, tôi thấy Xác phàm chứa đựng ba nội dung trong một mà không hẳn cái nào quan trọng hơn cái nào.
Lớp vỏ bên ngoài dễ thấy nhất là câu chuyện về cuộc đời khá kỳ lạ và hiếm hoi của nhân vật Nam, con trai một liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Nói số phận của nhân vật Nam khá kỳ lạ và hiếm hoi bởi đó là một cá thể không giới tính, một sinh thể phi tính dục, “Một xác phàm không chứa đựng linh hồn” theo như cách viết của tác giả. Thế nhưng, Nam đã lớn lên, vào đại học rồi trở thành một nhà báo giỏi với kiến thức lịch sử thông tuệ. Tuy nhiên, Nam vẫn không được, không phải là mình bởi thể xác của con người này chỉ là cỗ xe do những linh hồn khác lái. Khi những linh hồn bay đi hay nói cách khác, nó không còn trú ngụ trong thân xác Nam nữa thì cá thể này trở nên hoang rỗng. Vòng tuần hoàn sinh tử của xác - phàm - Nam kết thúc sau cuộc phẫu thuật chuyển giới ở trên đất nước Thái Lan.
Lớp thứ hai, chính là cuộc chiến vô cùng khốc liệt, bi tráng và bi đát ở biên giới phía Bắc nước ta năm 1979 mà bố Nam, bố Việt (Bố Em, Bố Anh) là những người trong cuộc. Một cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc lẽ ra phải được vinh danh ngay từ khi nó xảy ra và mãi mãi về sau nhưng trong thời gian khá dài người ta đã cố không nhắc đến nó, lẩn tránh nó vì những cái gọi là nhạy cảm với nước láng giềng khổng lồ phía Bắc. Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ năm 1979 của quân dân ta đã được làm sống lại, tái dựng lại bởi khả năng đặc biệt nhìn thấy quá khứ người khác của Nam. Vong linh người bố đã nhập vào thân xác Nam với những ám ảnh khôn nguôi về mười bảy ngày động binh bi tráng trong cuộc chiến chống giặc Khợ. Chuyện những ngày động binh mà Nam đã kể lại cho Việt nghe thực chất là hồi ức chưa tan biến của những người lính trận như bố của hai người; họ chết nhưng lịch sử còn sống, quá khứ bi tráng và bi đát ấy còn tồn tại như sự thật đã diễn ra mà không ai, không thế lực nào, mưu toan nào có thể xóa nhòa được. Trong tiểu thuyết, đó là không gian, thời gian nghệ thuật do nhà văn tạo dựng lên với những địa danh, tên gọi đối phương bị thay đổi nhưng qua Xác phàm, người đọc vẫn đủ hình dung về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đấy là câu chuyện của bố Nam do con trai mình kể lại với Việt cũng là con trai của một liệt sĩ khác đã từng chiến đấu và ngã xuống ở biên giới phía Bắc.
Khi chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 xảy ra, Nguyễn Đình Tú mới 5 tuổi; hơn 30 năm sau, anh mới viết Xác phàm. Những trang mô tả chiến tranh là sự cố gắng rất lớn của Nguyễn Đình Tú, nếu nó không đạt tới độ thật và sinh động như trong tiểu thuyết, chắc chắn nhiều cựu chiến binh từng tham gia đánh giặc bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc năm 1979 không tìm đến anh để nói lời khâm phục và cảm ơn khi Xác phàm vừa ra.
Lớp thứ ba, phần lõi của tiểu thuyết chính là một góc nhìn về sự bí ẩn, những khoảng trống chưa lý giải được của con người, một thực thể độc đáo trong vũ trụ bao la muôn trùng này. Con người là gì? Con người là ai? Sự sống và cái chết của nó (hay là thân phận người) mang những mật mã huyền bí nào đó u u minh minh chưa thể thấu tỏ ngọn nguồn. Quả thế thật. Phần xác người ta dễ dàng giải phẫu, tìm hiểu nhưng phần hồn, phần tâm và cả cái chết nữa chứa đựng bao nhiêu khoảng trống bí ẩn chưa có câu trả lời hay giải mã. Xác phàm, một dạng cá thể đặc biệt, nơi trú ngụ của những linh hồn khác nhau có tồn tại không trong cộng đồng người?
Thực ảo đan xen, nhiều không gian, thời gian gài trộn vào nhau, Xác phàm mở ra cho ta nhiều vùng cảm xúc, nhận biết, tri ngộ và suy ngẫm. Nó có nhiều tầng lớp nông-sâu, ngoài-trong, cụ thể-biểu tượng... dành cho các đối tượng bạn đọc khác nhau. Nó huy động được nhiều kiến thức về xã hội, y học, lịch sử, quân sự, tôn giáo, tâm linh... Trong bút pháp tiểu thuyết có chiêu thuật điện ảnh, giọng văn trầm tĩnh có phần thong thả (so với tiết tấu nhanh gấp ở một số tiểu thuyết trước đây của anh) đã đưa bạn đọc tới những vùng miền khác nhau, khi là phòng phẫu thuật chuyển giới ở đất Thái, khi là vùng quê Việt Nam quen thuộc với ao nước đầm sen, khi là vùng biên có pháo đài cổ ở phía Bắc trong những ngày động binh ác liệt... Miêu tả thực, phân tích tâm lý nhân vật, triết luận về tôn giáo (Phật giáo), con người..., Nguyễn Đình Tú đều đạt đến điểm chuẩn và có sức cuốn hút không nhỏ. Đọc Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, tôi nghĩ rằng không có kiến thức rộng mở, không tiếp cận với tri thức hiện đại, tiên tiến thì khó có thể viết tiểu thuyết hay trong thời đại ngày nay. Vốn sống, hiện thực phải được soi chiếu bởi ánh sáng của kiến thức tổng hợp của nhà văn.
Nhân vật Nam-Xác phàm là hiện tượng độc đáo của tiểu thuyết Việt Nam. Đọc xong tiểu thuyết, tôi bị ám ảnh ghê gớm bởi nhân vật lạ lẫm này với cái mùi buồn của nó. Liệu cái mùi buồn mà em vẫn thường ngửi thấy có phải là lúc thần thức lạc về từ Pháo đài xa xôi kia quẫy đạp trong xác phàm là em? Và cái con người Nam-nhân vật Nam soi thấu, mang tải quá khứ cùng những cuộc sống đã khuất chìm biến đổi trong dòng chảy thế gian cuồn cuộn thật kỳ lạ làm sao. Cái thân xác này do những vong linh khác điều khiển; tôi đã nghe tới điều ấy, đã có trải nghiệm về điều ấy nên rất tin và rất thích những điều Nguyễn Đình Tú viết. Xác phàm vốn không đi hết một vòng tuần hoàn của kiếp người. Cả triệu nhân sinh mới có một xác phàm để khâu vá lại những thiếu khuyết của cuộc đời... Nó sẽ chỉ hữu sắc sinh hương thay cho loài khác một lần thôi rồi chết.
Phải chăng với Xác phàm, Nguyễn Đình Tú đã bắt đầu chạm được vào triết luận về thân phận con người mà tôi nghĩ rằng không phải ai cũng hiểu và viết được một cách hấp dẫn như thế.
Nguyễn Hữu Quý