Bên cạnh các chủ đề như tiểu thuyết cần tiếp cận đời sống hiện thực đất nước, dân tộc; trọng trách chuyển tải những cảm quan thẩm mỹ thời đại; số phận của con người đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa... thì vấn đề tiểu thuyết hôm nay cần viết ngắn hay dài đã được thảo luận khá kỹ càng nhưng không kém phần sôi nổi, thậm chí có lúc nảy lửa tại Trại viết tiểu thuyết năm 2013 ở Tam Ðảo do Hội Nhà văn Việt Nam (Hội NVVN) tổ chức từ 1/4 - 15/4.
Trại viết lần này có 12 nhà tiểu thuyết từ khắp mọi miền xôm tụ. Dù tuổi đời có khác nhau, cao tuổi nhất là nhà văn Nguyễn Quang Hà năm nay 75 và trẻ nhất là nhà văn Thiên Sơn, hơn 40 tuổi, nhưng điều đáng quí là khi bàn đến các vấn đề của tiểu thuyết hôm nay, dường như ranh giới tuổi tác, già trẻ đều trở thành thứ yếu. Họ trao đổi thẳng thắn, tranh luận sôi nổi với nhau một cách cởi mở, sòng phẳng những vấn đề mà mọi người cùng quan tâm và tiểu thuyết hôm nay cần hướng tới.
![]() Các nhà văn dự Trại sáng tác Tam Đảo 2013. |
Những cuộc tranh luận nảy lửa
Có thể nói, hầu hết các nhà văn đều khẳng định sự cần thiết giao lưu để chia sẻ cùng các nhà lý luận phê bình (LLPB), nhưng rất ít khi có cơ hội. Đây là lần đầu tiên do sáng kiến của nhà văn “trưởng trại” Đào Thắng mà Hội NVVN đã mời tới trại viết tiểu thuyết các nhà LLPB như: Nguyễn Thị Minh Thái, Bùi Việt Thắng, Đỗ Ngọc Yên và Bùi Thị Kim Anh lên để tọa đàm, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà sáng tác. Nhiều vấn đề tưởng như ai cũng biết và đã được giải quyết xong, nhưng lần này, nó vẫn được đưa ra bàn luận sôi nổi đến bất ngờ.
Nhưng dù sao “ngắn hay dài” vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhà LLPB Bùi Việt Thắng cho rằng, để đọc hết bộ 3 tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh gồm Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa với tổng số khoảng trên 2.500 trang, ông đã phải bỏ ra hàng tháng trời và với những cuốn sách dày như thế không thể nào nằm mà phải ngồi mới có thể đọc được.
Đồng quan điểm với Bùi Việt Thắng, hai nhà văn Võ Khắc Nghiêm và Hoàng Dự cũng cho rằng tiểu thuyết hôm nay cần viết ngắn để khỏi làm khổ bạn đọc. Nhà văn Hoàng Dự cho hay, anh đã mua về 2 bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải là Bão táp triều Trần và Tám đời vua Lý - mỗi bộ chia làm nhiều tập và mỗi bộ dày khoảng 6.442 nên anh không thể nào kham nổi. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sôi nổi và thẳng tưng rằng, tiểu thuyết hôm nay chỉ nên dày trên dưới 300 trang nếu vấn đề rộng lớn, mang tính chất vĩ mô và số nhân vật nhiều hàng chục người, còn nếu không chỉ nên viết ngắn dưới 200 trang. Có như vậy mới đến được đông đảo công chúng, do giá cả phải chăng và tiện ích khi đọc. Theo đó, bộ tiểu thuyết 2 tập Đại gia của nhà văn Thiên Sơn sắp xuất bản dày 1.200 trang nên rút xuống còn 300 trang.
Nhà văn trẻ Thiên Sơn lại có quan điểm khác. Cuốn Những cánh hoa lòng của anh trước đây chỉ viết có hơn 200 trang, nhưng đến cuốn này, anh buộc phải viết dày như vậy vì nội dung vấn đề của nó bao quát ở một tầm độ khác. Anh cho biết, hiện bộ trường thiên tiểu thuyết của mình đã được một hãng phim mua bản quyền và đang chuyển thể sang kịch bản điện ảnh.
Bàn về vấn đề “ngắn hay dài” của tiểu thuyết, nhà LLPB Đỗ Ngọc Yên cho rằng, sở dĩ hôm nay, tiểu thuyết cần phải viết ngắn ngoài việc hợp túi tiền với nhiều người, tiện ích khi đọc còn là vấn đề quảng bá thông qua xuất bản. Các nhà xuất bản hiện nay rất ngại in những cuốn sách dày, nhất là đối với những người chưa có tiếng tăm gì, mà thường yêu cầu các nhà văn nên viết dưới 300 trang.
Tuy nhiên, theo Đỗ Ngọc Yên, vấn đề không phải nằm ở chỗ ngắn hay dài về số trang, mà phụ thuộc vào nội dung chuyển tải. Chẳng hạn như các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải..., họ đều viết dài từ dăm bảy trăm trang đến cả nghìn trang vẫn không sao. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh dày 843 trang, xuất bản lần đầu tiên từ năm 2000, đến nay đã tái bản tới hàng chục lần. Cuốn Thượng Đức dày 636 trang của Nguyễn Bảo in năm 2005 cũng đã tái bản nhiều lần, mỗi lần đều trên 1.500 cuốn. Không phải tất cả những cuốn sách dày đều không hay và đều khó bán.
Những cuộc tọa đàm, trao đổi theo kiểu “nói vo” trực diện, mổ xẻ đến cùng từng vấn đề thuộc về chuyên môn, nghề nghiệp thẳng thắn và cởi mở như thế này tuy mới là lần đầu tiên, chưa phải là một nền nếp sinh hoạt thường niên của Hội NVVN nhưng rõ ràng đã góp phần gợi mở được nhiều vấn đề mà cả các nhà sáng tác và nhà LLPB cùng quan tâm nên khá bổ ích và thực sự thú vị.
Viên An