Nhưng cháu còn biết chú viết tiểu thuyết trong những năm tháng còn là học sinh. Ngay từ khi học lớp sáu, chú đã có tiểu thuyết Bước chân thứ nhất dài 280 trang viết tay. Chú có thể chia sẻ cho chúng cháu biết về tiểu thuyết này được không ạ?
Trong cuốn tiểu thuyết có những câu rất thú vị: “Mấy đứa chút chít ngồi tôm hỗm trên những khúc gỗ đóng ghế bàn còn thừa ở góc sân, vếch mặt lên trời, lẩm nhẩm dịch dòng khẩu hiệu chào mừng năm học mới đang rập rờn lượn sóng trước cổng trường”. Hay là: “Vài đứa tóc húi cua, chạy lọng cọng dọc hành lang, gặp cửa sổ phòng học nào cũng kiễng chân thò cổ nhòm vào”. Cháu thấy những chữ “lọng cọng”, “tôm hỗm”, hay “vếch mặt” rất mới, rất lạ. Vì sao chú lại sử dụng những từ này? Và cháu muốn biết sắc thái ngữ nghĩa những từ được chú sử dụng là gì ạ? Chú có thể nói tóm tắt nội dung tiểu thuyết này. Chân thành cảm ơn chú. Cháu rất mong nhận được câu trả lời từ chú.
DƯƠNG THỊ HẰNG
(Trường chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa)
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Chú rất ngạc nhiên khi cháu ở mãi Thanh Hóa mà lại biết đến cuốn tiểu thuyết viết hồi học lớp sáu của chú. Cuốn sách bị mất một nửa bản thảo, nên bây giờ vẫn chưa ra được, chỉ trích in ba chương trên báo Người Hà Nội vào một dịp Tết cách đây cũng đã gần chục năm. Cuốn tiểu thuyết này viết về một thời bom đạn, được nhìn qua con mắt của một đứa trẻ vừa bước vào lớp một. Hai câu cháu trích là ở chương I, bắt đầu từ buổi khai giảng năm học mới. Mấy chi tiết cháu vừa dẫn là chú tả bọn học trò lớp một. Học trò quê đúng như vậy đấy. Phải dùng những từ “lọng cọng”, “vếch mặt”, là biến thái của từ “lệnh khệnh”, “vểnh mặt”. Nhưng nếu dùng hai từ “lệnh khệnh”, “vểnh mặt” thì không ra trẻ con, mà lại thành người lớn, thậm chí là người già mất rồi. Chỉ dùng những từ như cháu vừa dẫn mới ra sắc thái của lũ học trò lớp một được. Cái chi tiết “dịch dòng khẩu hiệu” (vì học sinh này còn vừa nhìn chữ vừa đánh vần mà) hay “gặp cửa sổ phòng học nào cũng kiễng chân thò cổ nhòm vào”, thì đúng là những đứa trẻ lần đầu đến trường. Mấy chữ cháu cho là mới ấy, đúng là không có trong từ điển, mà chú sáng tạo ra, dựa trên những chữ quen thuộc. Nhà văn bao giờ cũng phải là những người sáng tạo chữ.
Ngay từ khi học lớp sáu, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có tiểu thuyết Bước chân thứ nhất dài 280 trang viết tay. Hiện tại, nhà thơ đang tìm lại những phần bản thảo bị thất lạc để sớm cho ra đời cuốn tiểu thuyết này. Ảnh: TL
Chú đang phục hồi những phần đã mất để sớm cho ra đời cuốn tiểu thuyết này. Cuốn sách sẽ đổi tên là Lão Đấu. Tên một nhân vật chính.
Ông Đấu là một lão già độc đoán và keo kiệt. Nhưng ông lại là một trong những người đầu tiên vào hợp tác xã. Thấy lão già keo kiệt ỉa ra mạng nhện mà còn vào hợp tác xã nên dân làng ùa theo. Nhưng rồi sau này, chính lão lại xin ra khỏi hợp tác xã. Lý do cũng chỉ vì mâu thuẫn với ông Dương. Ông Dương làm Chủ nhiệm hợp tác xã kiêm Chủ tịch xã. Trong cuộc họp toàn xã, ông Dương phổ biến chủ trương xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ông nói bao điều rối tung rối xòe mà bà con dân quê chẳng hiểu nó ra làm sao cả. Nhưng rồi rốt cuộc chỉ đúc lại bằng một việc làm rất đơn giản, mà ai cũng hiểu, là đắp một con đường để kéo xe cút kít. Con đường này chỉ chạy đến nhà ông chủ nhiệm là thắt ngẵng cổ chày. Lão Đấu bị “thiến” mất mấy chục mét đất ruộng riêng. Lão chửi rầm lên, rằng lão chẳng nhìn thấy Chủ nghĩa xã hội mặt mũi nó như thế nào, mà chỉ thấy chủ nhiệm xây nhà ngói cây mít. Xã viên làm việc bằng hai / Để cho cán bộ mua đài mua xe / Xã viên làm việc bằng ba / Để cho cán bộ xây nhà xây sân...
Ông Dương bực lắm. Một tối, lão Đấu đi đổ ống lươn về thì ông Dương hô hoán ầm lên là đã bắt được quả tang “thằng Đấu ăn trộm thóc”. Dân làng đổ ra thì cửa kho thóc đúng là đã bị bật tung và bên trong quả thiếu ba bao thóc. Lão Đấu bị ông Dương trói nghiến và tống vào kho thuốc sâu. Đêm ấy, lão Đấu đã phải làm mồi cho muỗi xơi. Nhưng rồi đến sáng, thế cờ lại lật ngược. May sao mấy bao thóc bị chuột cắn. Người ta thấy thóc cứ rông rổng chảy đến tận cửa buồng nhà ông chủ nhiệm. Thế là lão Đấu cứ đi rong khắp làng mà chửi. Lão chửi dai dẳng và ngoa ngoắt còn hơn cả một mụ đàn bà bị mất gà. Thế rồi lão xin ra khỏi hợp tác xã đi kiếm ăn ngoài. Lão là người giàu nhất làng, nhưng sống rất keo kiệt, bủn xỉn. Có đồng nào, lão bí mật cho vào hốc tiền khoét sâu trong tường, mà cả nhà lão không có ai biết. Sau này, khi cuộc chiến tranh nổ ra, lão mới nhận ra rằng, khi nước nhà có giặc thì chẳng ai có được cuộc sống riêng yên ổn. Lão chỉ đề phòng bọn trộm cướp đục tường khoét vách, nhưng lão đâu có ngờ còn có lũ đập nhà phá vách còn nguy hiểm hơn nhiều, đó chính là bom đạn Mỹ. Cả khu trại chăn nuôi kiên cố là thế mà không còn viên gạch nào nguyên vẹn. Lão phải cứu cái hốc tiền của lão. Rồi lão nhận ra rằng chẳng có nơi nào giấu tiền chắc chắn hơn là giấu vào Nhà nước. Nhà cửa có thể bay chứ Nhà nước thì không thể bay được. Lão đục hộc tiền ra cho Nhà nước vay để đầu tư xây lại trại chăn nuôi.
Mối thâm thù giữa lão Đấu và ông Dương càng ngày càng quyết liệt. Sau khi bị kỷ luật, ông Dương cay lắm. Mình có cả quyền lực, có cả chính quyền mà thua một lão già càn quấy. Thế rồi ông tung tin, vu lão Đấu làm gián điệp. Cái tin cứ âm ỉ, nhưng dân làng xa lánh, tẩy chay lão. Đứa con đầu lòng, lão bắt nghỉ học để chạy chợ. Thầy giáo đến xin cho cháu trở lại lớp học, nhưng lão kiên quyết tẩy chay. Khi bị nghi ngờ, lão đến xin thầy cho con tiếp tục học, nhưng thấy thầy ngần ngại thì lão biết chuyện chẳng lành rồi. Lão xung vào đội quân cảm tử của xã. Lão đốt lò gạch giữa đồng để nhử máy bay đến cho pháo cao xạ bắn. Nhưng chẳng có quả bom nào rơi vào lò gạch cháy rừng rực giữa đồng cả, mà bao nhiêu trận địa cao xạ, cả cây cầu chiến lược đều bị phá hủy hết. Đến lúc này thì ông Dương mới ngờ, không khéo lão Đấu là gián điệp thật. (Trước đây, dù vu lão Đấu là gián điệp, nhưng ông Dương chỉ dựng hiện trường giả để trả thù và phục hồi lại danh dự). Lão Đấu bị bắt, bị lột trần, xát mỡ vào bẹn, rồi nhốt trong cũi, thả trên ổ kiến lửa, lão bị kiến đốt, đến nỗi sưng tấy không đi được, và thế là rồi lão đã khai. Lão nhận lão là gián điệp. Lão đi các làng đóng cối, nhưng thực chất là dò la tin tức, báo cho máy bay Mỹ bằng một mảnh gương con chiếu lên cho phi công nhìn thấy (chi tiết này rất trẻ con). Mặc dù vậy, ông Dương cũng biết lão khai liều, bèn ra tay cứu vớt theo kiểu khoan hồng, để suốt đời “thằng chó chết phải mang ơn”. Bây giờ thì ông lại tin không khéo lão Đấu là gián điệp thật. Nhưng chưa kịp bắt thì lão Đấu đã chết. Lão chết vì tính keo kiệt của mình. Cái chết của lão rất dữ dội. Lão chết vì bị cảm bất đắc kỳ tử trong lúc đang ngồi canh cây bưởi. Chết mà không ai biết. Sau nhờ chó phát hiện. Chó cứ chạy quanh nhà sủa. Khi anh Phong và cô Viên bẩy được cánh cửa ra thì thấy lão đã chết cứng trên giường, lão chết ngồi, chết mà tay lão vẫn nắm chặt chấn song, mắt vẫn mở trừng trừng nhìn qua cái lỗ khoét, như cái lỗ hỏa châu, ngoài bít bằng mảnh đít chai, để lão nhòm xem có đứa trẻ con nào vặt trộm bưởi không. Anh Phong bóp nửa chai rượu mà mắt lão vẫn không nhắm được. Người ta cũng không sao uốn được cho người lão thẳng ra để đưa vào quan tài. Cả một đám trai trẻ thay nhau “vật lộn” với xác lão mà rồi thua. Cuối cùng đành phải tháo mấy cánh cửa tấm ván thôi, thửa cho lão chiếc quan tài riêng. Chiếc quan tài vuông như hòm chứa của và lão ngồi gà gật trong đó. Phía sau, người ta kéo theo một cái quan tài khác, dài thượt, trong để tồng tềnh của nả của lão, gồm mấy chiếc chiếu rách cùng tràng đục, dăm cối, những đồ lề lão vẫn đi đóng cối thuê. Đó là gia tài mà suốt một đời lão đã ky cóp, một đám tang khá kỳ dị. Không kèn. Không trống. Chỉ có chiếc kẻng phòng không bằng mảnh bom, do hai lão thợ cày khiêng đi phía trước. Thỉnh thoảng lại thúc beng beng như làng có chọi trâu.
Lão Đấu chết rồi. Nhưng không ai dám qua khu nhà lão. Cả những gia đình xung quanh cũng không yên vì tiếng chó sủa. Ông Dương đã lệnh triệt chó. Nhưng chó vẫn sủa. Ông dẫn đầu một đoàn cán bộ xã xuống kiểm tra. Nhưng vừa bước qua ngưỡng cửa, ông lại nghe thấy tiếng chó hộc lên ngay dưới chân bàn thờ của lão Đấu, dù người trong đoàn không ai nghe thấy. Ông Dương ngã vật xuống bệ cửa. Máu ộc cả ra mũi và tai. Người ta phải đưa ông đi cấp cứu. Ba tháng sau, ông thành người ngớ ngẩn, cứ cởi truồng lồng lỗng rồi suốt ngày lảng vảng trong khu lều vó của lão Đấu. Ngày xưa, thuở lão Đấu còn sống, người ta cũng không thấy lão khổ hạnh như thế.