Báo Sức khỏe & Đời sống số 126 vừa đưa tin cơ sở gia công giết mổ gia súc Thuận Lợi, thuộc ấp 6, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh - TP.HCM (do ông Thái Hoàng Tòng làm chủ), đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM gồm lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an địa phương đã phát hiện giết mổ thịt lợn này có dấu hiệu bơm nước, trong đó có cả heo bệnh.
Việc thịt lợn, gà, vịt bơm nước bày bán tại các chợ lâu nay đã được các cơ quan chức năng cảnh báo cho người tiêu dùng. Theo quy trình giết mổ, thịt lợn phải được cơ quan thú y kiểm dịch mới được đưa vào lò mổ. Một cơ sở giết mổ lớn như Thuận Lợi lại ngang nhiên vi phạm quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm là một hành động không thể chấp nhận. Lâu nay, người tiêu dùng đang đứng trước một thực tế bị dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc và thiếu an toàn, tổn hại trực tiếp đến sức khỏe. Chính vì vậy mà người tiêu dùng thường được khuyến cáo phải mua thịt heo có dấu kiểm dịch. Việc ngang nhiên dùng nước bơm vào heo bệnh để đem ra tiêu thụ ngoài thị trường là một hành động lừa dối người tiêu dùng và là tội ác cần bị trừng trị nghiêm khắc.
Thời gian gần đây, người tiêu dùng rất bất bình việc Vinafood nhập thực phẩm quá hạn sử dụng, không có xuất xứ… nay có thêm cơ sở Thuận Lợi sửa giấy kiểm dịch để tung ra thị trường sản phẩm kém chất lượng. Các doanh nghiệp chỉ vì lợi ích cục bộ của mình, kinh doanh thực phẩm mà không nghĩ đến sức khỏe cộng đồng sẽ tạo ra mối nguy hiểm khôn lường đối với đời sống xã hội.
Giới doanh nhân xưa và nay vẫn có nhiều gương làm giàu chính đáng. Còn làm giàu theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, “nói một đằng làm một nẻo” thì không mấy bền lâu. Đó không chỉ là chuyện thực phẩm “bẩn” được tung ra thị trường mà còn là chuyện “móc túi” người tiêu dùng bằng các chiêu khác, như: đong xăng thiếu, bán xăng dỏm; bán hàng quá đát; sữa nhiễm melamine, sữa thiếu độ đạm; phân bón giả; thuốc chữa bệnh dỏm... Những hành vi trên - một cách vô tình hay chủ ý - đã khiến không ít DN trở thành... kẻ cắp dưới con mắt của người tiêu dùng. Hành vi này còn gây tổn hại lớn đến nền kinh tế, dưới góc độ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và sức khỏe cộng đồng.
Xuất phát từ lợi ích người tiêu dùng, cơ quan chức năng đã có động thái kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng thực phẩm… Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Vấn đề gốc rễ là cần có chế tài xử phạt nghiêm những DN cố tình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh hàng kém chất lượng để không tái diễn cảnh “ngựa quen đường cũ”! Cần thiết, có thể rút giấy phép kinh doanh, hoặc phạt thật nặng DN cố tình vi phạm. Mặt khác, cần tạo dư luận xã hội lên án và tẩy chay những DN cố tình chạy theo lợi nhuận, quên đạo đức kinh doanh. Có như vậy mới tạo được niềm tin với người tiêu dùng và bảo vệ các nhà sản xuất chân chính.
Nguyễn Thanh