Tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam tăng chóng mặt, kéo theo nhiều hệ lụy

23-05-2019 13:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Bà Trần Xuân Hằng – Ban Soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam trong nhóm tăng nhanh nhất thế giới. Trong 7 năm (2010-2017), tốc độ tăng tiêu thụ rượu tại Việt Nam tăng tới 90%, trong khi đây là loại đồ uống gây ra 200 loại bệnh tật và nhiều hệ lụy xã hội khác.

"Cường quốc" rượu bia

Forbes dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2017 cho thấy, tỉ trọng tiêu thụ rượu bia trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ…

Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiêu thụ rượu bia tăng mạnh, tăng phi mã. Hiện tại, tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam đang đứng thứ 10 thế giới, thứ 3 trong châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) và vẫn đang tiếp tục tăng, trong khi cách đây 10 năm, Việt Nam vẫn xếp thứ 8 châu Á. Sản lượng rượu bia tăng vượt mọi dự đoán.

Để minh chứng cho điều này, bà Hà dẫn chứng, ngành công nghiệp rượu bia đề ra mục tiêu đến năm 2020 sản xuất 4,1 tỉ lít bia và 350 triệu lít rượu, nhưng thật bất ngờ chỉ đến năm 2017 thì đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 3 năm.

Tương tự, năm 2025, ngành công nghiệp rượu bia dự đoán sẽ sản xuất 4,6 tỉ lít bia và 350 triệu lít rượu, thế nhưng chỉ đến năm 2018, sản lượng bia rượu sản xuất đã vượt cả dự báo với 4,67 tỉ lít bia và 350 triệu lít rượu.

Như vậy chỉ trong một năm 2017-2018, đã tăng thêm 500 triệu lít bia, đó là chưa kể các loại rượu thủ công khác. Chi tính riêng chi phí tiêu thụ bia của Việt Nam hiện đã trên 4 tỉ USD, chưa kể 350 triệu lít rượu tự nấu. Như vậy, bình quân mỗi người Việt chi khoảng 9,6 triệu đồng cho bia rượu, trong khi chi tiêu cho y tế chỉ ở mức 2,6 triệu đồng.

Trong khi tiêu thụ rượu bia ở thế giới giảm thì Việt Nam lại tăng nhanh chóng, trở thành "cường quốc" về thứ đồ uống có cồn này. Ảnh minh họa.

Với những "thành tích" như vậy, Việt Nam được xếp vào nhóm "cường quốc" sử dụng rượu, bia. Hậu quả nhãn tiền là góp phần gây nên tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia được thực hiện tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, 82% bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Hơn một nửa nạn nhân trong độ tuổi 15-29, hầu hết là nam giới.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh sử dụng rượu, bia có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư như vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Rượu, bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác nhau như tụy, máu, tế bạch hầu; gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp...

Luật phải đủ mạnh với các biện pháp kiểm soát rượu bia chặt chẽ

Không thiếu những vụ việc đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ việc say rượu gây ra xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ vụ tai nạn thương tâm ở đường Láng, hầm Kim Liên (Hà Nội) do lái xe có uống rượu bia đến vụ bé gái 15 tuổi nhậu xỉn bị 2 thiếu niên hiếp dâm, rồi 6 nam sinh tham gia hiếp dâm tập thể thiếu nữ 16 tuổi… Sau những vụ việc đau lòng này, người ta mới giật mình nhận ra rằng nếu như có ý thức "uống rượu bia, không lái xe" và phạt thật nặng người vi phạm; và nếu như cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi thì đã không xảy ra những chuyện thương tâm như thế.

Dù hậu quả sử dụng rượu bia ai cũng thấy và tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại đang ngày càng tăng (tăng gấp đôi sau 5 năm 2010-2015) khi có tới trên 44% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Song theo thời gian, Luật Phòng chống tác hại rượu bia ngày càng yếu đi.

Cụ thể, trong suốt nhiều năm xây dựng, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan soạn thảo, luôn đưa quy định cấm bán rượu bia theo giờ vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, khi trình Quốc hội vào cuối năm ngoái, quy định giờ bán đã bị gỡ bỏ. Kèm theo đó, nhiều quy định hạn chế quảng cáo bia rượu cũng dần bị gỡ bỏ.

Rượu bia kéo theo nhiều hệ lụy về tai nạn giao thông, bất ổn an ninh, tội phạm, bạo lực...

Trong phiên bản hoàn thiện nhất trình Quốc hội ngày 20/5, các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia tiếp tục bị giảm nhẹ. Cụ thể: Không có quy định cấm đối với bia trên 15 độ; Giờ quảng cáo bị thu hẹp lại trong khung từ 19-20h, trước đây từ 18-20h; Vẫn cho phép hiện tên, hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu bia trên các vật phẩm tài trợ; Không cấm kinh quanh rượu, bia trên internet...

Trong khi đó, theo các chuyên gia, rượu bia không phải là hàng hóa bình thường mà là hàng hóa có nguy cơ gây nghiện và cần hạn chế tiêu dùng thì ngày nay xu hướng kinh doanh 4.0 trên internet ngày phát triển hơn khiến rượu bia dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cú click chuột là có thể dễ dàng mua bán.

Bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y tế cho biết, bản thân Bộ Y tế khi xây dựng dự án luật này luôn mong muốn giữ được các quy định mạnh nhất có thể. Tuy nhiên sau nhiều lần cho ý kiến tại các cơ quan của Quốc hội, và mới nhất là ý kiến của Uỷ ban Thường vụ QH tại phiên họp thứ 33, có nhiều nội dung phải tiếp thu, chỉnh sửa theo kết luận của phiên họp.

“Bộ Y tế cũng đã có báo cáo Chính phủ các nội dung liên quan đến quảng cáo, khuyến mại rượu bia, xin được giữ nguyên như dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước” - bà Trang cho hay.

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 36 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: Giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự kiến dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được thảo luận tại hội trường vào ngày 23/5 và sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 14/6.

Dương Hải
Ý kiến của bạn