Tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam cao gấp nhiều lần thế giới

20-10-2015 20:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Mức tiêu thụ rượu bia, đồ uống có cồn tại Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động, cao hơn mức trung bình của thế giới.

Mức tiêu thụ rượu bia, đồ uống có cồn tại Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động, cao hơn mức trung bình của thế giới.

* Phát động giải báo chí về phòng chống tác hại của rượu bia

 

Uống rượu khi lái xe, giá đắt phải trả. Nguồn: Youtube

Theo thống kê, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới thập kỷ qua hầu như không thay đổi. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người (trên 15 tuổi) quy đổi theo cồn nguyên chất tại Việt Nam tăng từ 3,8 lít giai đoạn 2003-2005 lên 6,6 lít giai đoạn 2008-2010, cao hơn mức trung bình của thế giới (6,2 lít).

Tính riêng những người sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam, trung bình một năm tiêu thụ 17,2 lít cồn nguyên chất; đặc biệt nam giới tiêu thụ 27,4 lít/người/năm, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu, đứng thứ hai sau Thái Lan ở trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.

Bia là loại đồ uống có cồn được tiêu thụ chủ yếu tại Việt Nam với 97% lượng cồn nguyên chất tiêu thụ là từ bia. Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013 . Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á (mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á) và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc.

Tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam cao gấp nhiều lần thế giới

Đáng chú ý, hiện đang có sự gia tăng về tỉ lệ sử dụng đồ uống có cồn ở thanh thiếu niên. Khoảng 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 sử dụng đồ uống có cồn (năm 2008), tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm, trong đó 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn ở nhóm tuổi từ 14-17 tăng từ 34,9% lên 47,5% và ở nhóm tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67% trong giai đoạn 2003-2008.

Hiện, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. WHO ước tính năm 2012 cả nước ghi nhận 520.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Tử vong do bệnh tim mạch đứng hàng đầu với 33%, tiếp theo là ung thư 18%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 7% và đái tháo đường là 3%. Sử dụng đồ uống có cồn là một trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh không lây nhiễm.

Đồ uống có cồn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới tuổi từ 15-49 tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan liên quan đến đồ uống có cồn ở nam giới từ 50-69 tuổi gần 10% - cao gấp trên 3 lần trung bình toàn cầu. Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội liên quan đến sử dụng đồ uống có cồn như: Bạo lực gia đình; xâm hại trẻ em...

Tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam cao gấp nhiều lần thế giới

Để giảm thiểu những tác hại do rượu bia gây ra, BS. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam khuyến nghị cần có chính sách hiệu quả trong kiểm soát rượu bia như: Tăng thuế với mặt hàng này nhằm giảm tiêu dùng và các hệ lụy, trong khi đó tăng thu được Ngân sách. Kiểm soát các điểm bán lẻ Cấm uống tại một số địa điểm/hoàn cảnh: công viên, đường phố, công sở, trong giờ làm việc. Quy định tuổi tối thiểu chỉ hiệu quả nếu có biện pháp cưỡng chế thực thi tập trung vào người bán. Kiểm soát sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông Quy định nồng độ cồn trong máu cho người tham gia giao thông. Mức độ phải phù hợp với tuổi…

Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu bia: Hiện còn tồn tại khoảng trống pháp luật về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia (Chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên (Luật Quảng cáo): Quảng cáo rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường). Do đó, không có hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian, không gian.

Bên cạnh đó Nghị định 94/2012/NĐ-CP chỉ cấm tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các hoạt động chăm sóc sức khỏe và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm rượu. Việc tài trợ của các thương nhân sản xuất, kinh doanh bia chưa được điều chỉnh...

Gia tăng gánh nặng kinh tế do sử dụng đồ uống có cồn

Năm 2012, chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia tương đương gần 3 tỷ USD (2,8 tỷ lít bia tiêu thụ năm 2012), ước tính gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước (chưa kể đến chi phí gián tiếp) trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát ở Việt Nam năm 2012 trên 19.000 tỷ đồng (tương đương 950 triệu USD). Chi phí trực tiếp cho tiêu thụ bia nhiều gấp trên 3 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Theo cảnh báo của WHO, ước tính thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan đến chất có cồn tại Việt Nam là ~ 1 tỉ USD (năm 2010) (Văn phòng WHO Việt Nam, ước tính dựa trên Báo cáo thực trạng toàn cầu về chất có cồn và sức khỏe 2014).

Bên cạnh đó, tổn thất do bị xói mòn về văn hóa, lối sống, đạo đức và chất lượng giống nòi có nguyên nhân từ lạm dụng đồ uống có cồn là những gánh nặng xã hội nghiêm trọng không thể so sánh và rất khó lượng hóa.

D.Hải

 

 


Ý kiến của bạn