Chứng TTKKS không được xem là bệnh mà là triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. TTKKS gây ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý, xã hội, kinh tế và y tế đối với người cao tuổi. Người bị mắc thường xấu hổ, tìm cách che giấu, dễ mắc chứng trầm cảm, tự ti... Một số người tìm cách ẩn dật, không tham gia vào các hoạt động xã hội, thậm chí không dám tập thể dục với đám đông (thể dục dưỡng sinh) vì sợ bị tiểu són.
TTKKS có thể thoáng qua hay cấp tính (chứng này có thể tự khỏi khi các nguyên nhân được loại trừ) hoặc TTKKS mạn tính (do ứ nước tiểu ở bàng quang hoặc do cơ trơn ở niệu đạo có lúc lại không co thắt tốt, làm nước tiểu thoát ra không theo sự kiểm soát).
Người bệnh dùng thuốc cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ. |
Các thuốc thường dùng
Để trị chứng TTKKS do ứ nước tiểu ở bàng quang, có thể dùng thuốc bethanechol. Đối với chứng TTKKS do stress, dùng các thuốc kích thích hệ alpha-adrenergic thuộc hệ thần kinh thực vật như: ephedrin, pseudoephedrin hoặc dùng thuốc là các dẫn chất estrogen đối với phụ nữ mãn kinh bị chứng này. Ngoài ra, có thể dùng các thuốc: thuốc chống tiết cholin (oxybutinin), thuốc chống co thắt cơ trơn (dicyclomin, flavoxate), thuốc imipramin (đây là thuốc chống trầm cảm nhưng cũng có thể dùng và được xếp vào nhóm này do có tác dụng làm dịu trực tiếp cơ trơn của bàng quang), thuốc ức chế kênh calci (các thuốc này thường được dùng trị bệnh tăng huyết áp nay đang được nghiên cứu sử dụng trị TTKKS do ức chế kênh calci sẽ ức chế sự co thắt bất ổn của cơ bàng quang)...
Và những chú ý
Các thuốc kể trên cần được bác sĩ chỉ định và theo dõi sử dụng. Tùy theo chứng TTKKS khác nhau sẽ dùng thuốc khác nhau, thuốc chóng tiết cholin có thể dùng trị chứng TTKKS cấp bách nhưng không được dùng trị chứng TTKKS do ứ (thậm chí thuốc này có thể gây ra chứng TTKKS do ứ). Hơn nữa, các thuốc có thể gây ra tác dụng phụ đôi khi rất trầm trọng ở người cao tuổi nếu dùng bừa bãi.
Trong điều trị TTKKS do stress, ngoài việc dùng thuốc, người mắc có thể sử dụng phương pháp không dùng thuốc gọi là “tập luyện các cơ vòng tầng sinh môn” (pelvic floor exercise). Đây là phương án thường được áp dụng cho phụ nữ bị chứng TTKKS do tress. Người bệnh sẽ tập làm co thắt và thư giãn các cơ quan quanh âm đạo, quanh niệu đạo, quanh hậu môn cũng sẽ cải thiện được tình trạng này.
Ngoài phương pháp “tập luyện các cơ vòng tầng sinh môn” còn có một số phương pháp khác như phương pháp “tái huấn luyện bàng quang” (bladder retraining) hay phương pháp “sinh phản hồi” (biofeedback). Ở các phương pháp này, người bệnh cần được sự hướng dẫn của nhân viên y tế thông thạo phương pháp, cần được trang bị một số dụng cụ chuyên dùng vì cách tập luyện tương đối phức tạp.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức